“Thịt lợn tăng giá nhanh hơn vàng”
(Dân trí) - “Vàng năm ngoái so với năm nay tăng 30%, còn thịt lợn tăng tới 100%, như vậy giá thịt lợn tăng nhanh hơn giá vàng. Nguyên nhân tăng giá là thức ăn cho lợn phần lớn nhập từ bên ngoài, dịch bệnh và thương lái gom hàng bán sang Trung Quốc”.
Bên lề kỳ họp thứ 2, HĐND Hà Nội khóa XIV, phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng có những phân tích với báo chí xung quanh vấn đề các loại giá thực phẩm tăng mạnh thời gian qua.
Tại sao giá nhiều loại thực phẩm tăng quá nhanh trong thời gian qua đặc biệt là thịt lợn, thưa ông?
Tôi theo dõi mấy tháng qua giá cả nhiều mặt hàng đặc biệt là giá thị tăng rất cao nhưng đó là điều không mong muốn. Việc tăng giá đó là do tác động từ nhiều yếu tố đặc biệt là giá đầu vào nguyên liệu tăng.
Năm ngoái vàng chỉ có 2,8 triệu đồng một chỉ, năm nay tăng lên 3,7 triệu. Còn thịt lợn hơi năm ngoái chỉ có 37.000 đồng/kg năm nay lên 72.000 đồng. Nói ra điều này để thấy vàng chỉ tăng 30% nhưng thị hơi tăng gấp đôi.
Tôi theo dõi được nhiều thông tin để phân tích, phải nói sản xuất nông nghiệp chăn nuôi của bà con phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Thức ăn chăn nuôi phần lớn là nhập bên ngoài, giá đầu vào tăng theo giá thế giới. Chúng ta chưa làm chủ được dịch bệnh một cách triệt để nên cũng ảnh hưởng khi ảnh hưởng số lượng đàn lợn và cung không đáp ứng được cầu.
Nhiều người cho rằng do thương lái gom hàng bán sang Trung Quốc nên mới có tình trạng thực phẩm tăng giá?
Giá cả nguyên vật liệu ở Trung Quốc tăng cao nên rất nhiều thương lái Trung Quốc thu mua các loại thực phẩm trong đó có thịt lợn, do vậy làm tăng giá thịt ở nước ta.
Trong tình hình như thế UBND Thành phố đã có chỉ đạo sở Tài chính và Công thương kiểm soát dự báo kịp thời để thông tin trao đổi với các đơn vị thương mại tránh khan, cháy hàng quá mức.
Quỹ bình ổn giá chúng tôi yêu cầu phải có cơ cấu trong việc đặt mua hàng hóa trong đó có mặt hàng thịt lợn để doanh nghiệp chủ động cung cấp hàng cho thị trường. Nhiệm vụ tiếp theo là kiểm soát chống đầu cơ găm hàng và phải tăng cường tuyên truyền cho bà con vì không ít chính sách của nhà nước Trung Quốc tốt, nhưng không ít doanh nghiệp Trung Quốc nhiều khi cam kết với người dân nhưng thực hiện không nghiêm chỉnh. Người dân nên hướng vào doanh nghiệp nội địa làm ăn bền vững lâu dài.
Thành phố có đưa ra biện pháp cụ thể nào để ghìm giá thực phẩm không?
Thành phố đã bỏ ra 475 tỷ từ quỹ dự trữ tài chính cho các doanh nghiệp thương mại vay không tính lãi để họ dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu để khi giá cả thị trường có biến động thì tung ra. Những mặt hàng này bán thấp hơn giá thị trường từ 10 - 15% góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân đặc biệt người lao động.
Thành phố còn xác định phải làm nhiều biện pháp nữa để góp phần bình ổn giá chứ không thể trông vào nguồn quỹ bình ổn giá. Chúng ta phải kiểm soát người mua, người bán để niêm yết giá ở tất cả các loại hàng.
Cử tri ngoại thành cho rằng quỹ bình ổn chưa đến người nghèo, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề này, năm nay chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp đăng kí nhận nhiệm vụ bình ổn giá phối hợp các ban quản lý ở các chợ dân sinh.
Mục đích của chương trình là cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người lao động. Tuy nhiên, về tổ chức thực hiện đang gặp khó khăn vì mạng lưới phân phối còn kém do vậy mục đích đạt chưa cao. Trong những năm tới chúng tôi sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng thương mại đẩy mạnh hệ thống các tổ chức thương mại để đáp ứng được yêu cầu này.
Từ giờ đến cuối năm liệu giá thực phẩm có bị đội giá cao hơn nữa không thưa ông?
Các chính sách nhà nước về kiềm chế lạm phát đặc biệt tài khóa thắt chặt tiền tệ lượng tiền đưa ra thị trường giảm. Thực tế cho thấy chỉ số CPI đang giảm và tôi tin trong những tháng tới tốc độ tăng giá tiêu dùng chậm lại. Tôi tin lạm phát sẽ đạt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra khoảng 15 - 17%.
Quang Phong