Cà Mau:

Thiếu nguồn nước sạch, người nuôi tôm gặp khó

(Dân trí) - Đang trong giai đoạn đỉnh của mùa khô, mực nước xuống thấp không chỉ làm thiếu nước tưới ảnh hưởng vụ mùa ở các tỉnh trồng lúa. Hiện các địa phương chuyên nuôi tôm như Cà Mau, Bạc Liêu nông dân cũng đang gặp khó cũng do thiếu nguồn nước sạch cho tôm.

Theo người nuôi tôm Cà Mau, cũng chính lý do trên làm cho tình hình dịch bệnh phát triển rất nhanh thời gian gần đây, gây ra thiệt hại khá lớn cho người nuôi.

Ông Đặng Văn Tuấn ở ấp Nhà Phấn Gốc, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước cho biết, vụ nuôi vừa qua, tôm thẻ chân trắng nhà ông đang nuôi thuận lợi, được hơn 50 ngày thì tôm bỗng nổi đầu, bắt đầu bỏ ăn sau đó chết ngày càng nhiều.  “Đắng lòng, tiếc lắm nhưng cũng đành chịu chớ biết sao. Tôm cứ nổi đầu lên, sau đó búng lên khỏi mặt nước”. Ông Tuấn nói.

Nhưng ông Tuấn vẫn còn may mắn vì vụ vừa qua tôm nhà ông đã có thể thu hoạch được. Tuy tôm nhỏ, giá thấp nhưng ông cũng thu lại được tiền thức ăn, thuốc và các khoản chi phí phụ, lỗ không đáng kể. Nhiều người nuôi trong địa phương tôm mới được 20 - 30 ngày chết như ngả rạ, lỗ cả chì lẫn chài.

Do thiếu nguồn nước sạch, dẫn đến tôm bệnh nên người dân gặp cảnh thu lỗ
Do thiếu nguồn nước sạch, dẫn đến tôm bệnh nên người dân gặp cảnh thu lỗ

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Không chỉ riêng ông Tuấn, hầu như các huyện nuôi tôm công nghiệp tập trung của Cà Mau như huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước,… người nuôi tôm đang rất lo lắng trước tình trạng tôm công nghiệp nhiễm bệnh đang tăng nhanh.

Ông Nguyễn Văn Thoái, ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân mới bắt tay vào nuôi tôm công nghiệp được vụ đầu đã phải nhận trái đắng. Tôm ông nuôi qua được hơn 20 ngày, thì bắt đầu chết, và không lâu sau ông mất trắng mấy trăm triệu do đầu tư vụ đầu tốn kém.

Ông Thoái cho biết: Theo kỹ thuật viên hỗ trợ cho tôi, tôm chết do ngộ độc đáy. Nguyên nhân, xuất phát từ môi trường. Thực trạng tại địa phương, nước các kênh rạch đã cạn gần tới đáy, nguồn nước ô nhiễm đậm đặc hơn, chính vì vậy tôm rất dễ bị bệnh.

Đến thời điểm thay nước cho tôm, ông Thoái không dám thay toàn bộ chỉ dám bơm bớt nước ra, rồi châm thêm vào nhưng vẫn không thoát.

Theo người nuôi địa phương, nguồn nước vốn đã bị ô nhiễm khá nặng do vùng này đang phát triển nuôi công nghiệp rất mạnh, ý thức của người nuôi thì lại chưa cao. Hễ bị dịch bệnh nơi duy nhất để họ tẩu tán nguồn nước trong ao khi cải tạo lại là dòng sông gần nhất. Nguồn bệnh cứ thế theo dòng nước phát tán ra môi trường, mùa khô trên các kênh rạch mực nước lại thấp hơn bình thường.  Cứ thế, các dịch bệnh như gan tụy cấp, đốm trắng, đỏ thân và các mầm bệnh khác dễ thâm nhập và làm ảnh hưởng tới nhiều hộ nuôi trong vùng.

Do thiếu nguồn nước sạch, dẫn đến tôm bệnh nên người dân gặp cảnh thu lỗ
Do vậy, hiện nay nhiều hộ nuôi tôm thiếu vốn đầu tư và bà con tận dùng thời gian này để cải tạo vuông tôm, chờ "thời cơ" đến mới dám thả nuôi lại

Từ những khó khăn trên, tâm trạng lo lắng của những hộ đang nuôi là dễ thấy. Còn những hộ đã thất bại không dám đầu tư nuôi lại. “Tôi đang treo ao để qua thời điểm “nhạy cảm” này sẽ tiến hành tiếp”, ông Nguyễn Văn Thoái bộc bạch.

Không riêng gì người nuôi tôm công nghiệp Cà Mau, ở Bạc Liêu tình trạng này cũng khá phức tạp. Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho biết: Diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện hiện là 3.350 ha. Tuy ngành nông nghiệp huyện đã cảnh báo người dân trong vụ nuôi này, đặc biệt cẩn trọng về vấn đề nguồn nước trong mùa khô, nhưng cũng đã có đến khoảng 100 ha tôm nuôi vụ vừa qua của huyện thiệt hại. Trong đó, chủ yếu là bệnh gan tụy, một loại dịch bệnh rất phổ biến hiện nay.

Vài năm trở lại đây tình hình nuôi tôm công nghiệp tại đất Mũi (Cà Mau, Bạc Liêu) triển biến rất mạnh, diện tích nuôi không ngừng tăng. Do nuôi tôm công nghiệp thành công sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn, chính vì vậy diện tích nuôi tôm tăng mạnh. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của Bạc Liêu hiện đã đạt con số 15.000 ha. Còn theo Chi Cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh đến nay đạt 8.194 ha, tăng 42 ha so với đầu năm.

Ông Tiết Tiến Dũng, Chi Cục Trưởng Chi Cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cho biết: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đang có chiều hướng tăng hơn năm trước, toàn tỉnh có 121 ha tôm bị nhiễm bệnh (đốm trắng 19 ha, hoại tử gan tụy 63 ha, khác 39 ha). Trong đó, chỉ riêng tháng 2 có 87 ha tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh, tăng 52 ha so với tháng trước.

"Tỉnh đã xuất 15 tấn chlorine để hỗ trợ xử lý dịch bệnh. Đang trong giai đoạn khốc liệt mùa khô và sắp tới là thời điểm giao mùa, thời tiết rất phức tạp. Người nuôi nên thận trọng khi tiến hành nuôi và nên thường xuyên cập nhật thông tin đại chúng, chúng tôi sẽ có lịch thời vụ và những khuyến cáo cần thiết cho bà con", ông Dũng nói. 

N. Hai – Nguyễn Hành
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”