Thiếu gia sinh 9x một bước lên... "trùm" xây dựng
(Dân trí) - Thiếu gia sinh năm 1992 nhưng đã ngồi vào ghế "nóng" của một Tập đoàn xây dựng lớn.
Thiếu gia sinh năm 1992 làm "trùm xây dựng"
Tuần qua, thông tin đáng chú ý là việc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) có tân Tổng Giám đốc. Đáng nói hơn, vì "sếp" trẻ này mới chỉ sinh năm 1992.
Ngồi vào vị trí nóng là không ai khác chính là ông Lê Viết Hiếu - con trai ông Lê Viết Hải (Chủ tịch Hội đồng quản trị). Ông Hiếu sẽ thay thế cho bố mình với nhiệm kỳ 2 năm kể tử ngày 23/7/2020. Ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục là Chủ tịch HĐQT của Hoà Bình.
Theo giới thiệu của Xây dựng Hoà Bình, ông Hiếu có trình độ cử nhân quản trị kinh doanh, chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, trường California Polytechnic State University, San Luis Obispo (Mỹ).
Ông Hiếu đã có 6 năm kinh nghiệm, trải qua nhiều vị trí từ chuyên viên tín dụng doanh nghiệp ở ngân hàng Shinhan Việt Nam đến Phó Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài của HBC và nay là Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài, Phó Tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc; Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của tập đoàn.
“Đế chế vàng bạc” của bà Dung sụt lãi hơn 80%
Tuần qua, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung đã chính thức công bố báo cáo tài chính quý 2/2020. Theo đó, trong quý này, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.744,8 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của PNJ còn bị âm và chi phí tài chính tăng gần gấp đôi (chủ yếu do chi phí lãi vay), chi phí bán hàng cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Tuy cắt giảm được chi phí quản lý doanh nghiệp từ 116,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái xuống mức 96,3 tỷ đồng trong quý 2 năm nay song tổng kết lại, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn sụt giảm mạnh doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần của PNJ trong quý 2/2020 sụt giảm gần 80% so với quý 2/2019. Phần lợi nhuận khác tiếp tục âm và do vậy, lãi kế toán trước thuế của PNJ không được cải thiện, đạt 42,7 tỷ đồng, bằng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Đại gia Lê Phước Vũ có thực sự đã xuất gia?
Nhiều ngày gần đây, thông tin liên quan đến việc ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị HSG quy y tam bảo tại Chùa Viên Minh (Hà Nội) ngày 9/7/2020 đã khiến rất nhiều người bất ngờ.
Hiện tập đoàn này vẫn chưa có thông tin phản hồi chính thức, song có dẫn thông tin từ trang web nguoiphattu để “lên tiếng” về “sự thật” của sự kiện này.
Theo đó, tại Tổ đình Viên Minh, ông Lê Phước Vũ đã đảnh lễ tác bạch xin Đức Pháp chủ chứng minh, làm phép xuất gia (tức nghi thức xuất gia tượng trưng) cho ông và cho phép ông 8 năm sau, sau khi giải quyết ổn thoả công việc của Tập đoàn Hoa Sen mới chính thức thế phát xuất gia được.
Dẫn thông tin từ Đại đức Thích Như Kiên, trang này cho hay, năm 2011, ông Lê Phước Vũ khởi công xây dựng dự án Đại tùng lâm Hoa Sen (tên chính thức được cấp phép là dự án “Trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hoá tâm linh B’ Nom Lunu – Hoa Sen”). Đại tùng lâm Hoa Sen tọa lạc tại xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, có tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng trên diện tích gần 600 ha. Dự án này đến nay vẫn chưa hoàn thành sau gần 10 năm.
Như vậy, việc ông chủ Hoa Sen có tâm nguyện “buông” để xuất gia là có thật nhưng trách nhiệm với tập đoàn vẫn còn nên ông Vũ chưa thể “quẳng gánh lo”. Vì vậy, ông Vũ mới xin Đức Pháp chủ cho phép 8 năm sau được chính thức xuất gia.
Vì sao ông Phạm Nhật Vượng có sự “trung thành tuyệt đối”
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn của CNN với bà Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã có những chia sẻ khá thú vị về sếp của bà, ông Phạm Nhật Vượng .
Theo đó, bà Thuỷ cho biết, để chủ động ứng phó với những bất ổn do Covid-19, tập đoàn xác định thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, quản lý chặt chẽ chi tiêu và đầu tư mở rộng, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực hiện có.
Song, bên cạnh những khó khăn là có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đáng nhớ với bà Thuỷ. Bà chia sẻ, khi Covid-19 diễn ra cao điểm ở Việt Nam, đã có những nhân sự ở VinFast nói với ông Phạm Nhật Vượng rằng công ty đang gặp khó khăn nên họ sẵn sàng không nhận lương.
Điều này đã khiến ông Phạm Nhật Vượng cảm động, song quan điểm của ông Vượng là “dù phải ở nhà gần 2 tháng, chúng ta vẫn phải trả lương đủ và hỗ trợ hết mình cho nhân viên bởi vì họ vẫn phải lo cho gia đình”.
Lãnh đạo Vingroup khẳng định, tập đoàn này không lựa chọn phương án giảm lương để vượt qua dịch bệnh. Điều này đã mang đến những kết quả rất tốt, đặc biệt là nhận được sự trung thành tuyệt đối của nhân viên sau đó.