Vì sao ông Phạm Nhật Vượng có sự “trung thành tuyệt đối” của nhân viên?

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Vingroup cho hay, quan điểm của ông Phạm Nhật Vượng là “dù phải ở nhà gần 2 tháng vẫn phải trả lương đủ và hỗ trợ hết mình cho nhân viên”, không chọn giảm lương để giải quyết khó khăn.

Phó Chủ tịch Vingroup trả lời phỏng vấn trên sóng trực tiếp CNN

 Ít ngày trước, video ghi lại cuộc phỏng vấn của CNN với bà Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã gây chú ý lớn tới công chúng. Trong cuộc phỏng vấn này có những chi tiết quan trọng và thú vị.

Cụ thể, bà Thuỷ cho biết, trong năm nay, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu tăng 12% còn lợi nhuận giảm 35% so với năm 2019, đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Để chủ động ứng phó với những bất ổn do Covid-19, Vingroup xác định thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, quản lý chặt chẽ chi tiêu và đầu tư mở rộng, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực hiện có.

Ban lãnh đạo Vingroup đang đặt quyết tâm vượt kế hoạch nhờ điều kiện hiện tại ổn định hơn, các mảng kinh doanh đã trở lại bình thường. Đáng nói là tình hình dịch bệnh đã để lại những kỷ niệm đáng nhớ.

Bà Thuỷ kể lại, khi Covid-19 diễn ra cao điểm ở Việt Nam, đã có những nhân sự ở VinFast nói với ông Phạm Nhật Vượng rằng công ty đang gặp khó khăn nên họ sẵn sàng không nhận lương.

Điều này đã khiến ông Phạm Nhật Vượng cảm động, song quan điểm của ông Vượng là “dù phải ở nhà gần 2 tháng, chúng ta vẫn phải trả lương đủ và hỗ trợ hết mình cho nhân viên bởi vì họ vẫn phải lo cho gia đình”.

Lãnh đạo Vingroup khẳng định, tập đoàn này không lựa chọn phương án giảm lương để vượt qua dịch bệnh. Điều này đã mang đến những kết quả rất tốt, đặc biệt là nhận được sự trung thành tuyệt đối của nhân viên sau đó.

Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi trong phiên hôm qua (20/7), cặp cổ phiếu “quyền lực” họ Vingroup là VIC và VHM mất giá mạnh đã khiến VN-Index bị ảnh hưởng đáng kể.

Cụ thể, VHM và VIC cùng mất 1.300 đồng xuống mức giá 79.200 đồng và 90.200 đồng. Hai mã này lần lượt gây thiệt hại cho VN-Index 1,24 điểm và 1,25 điểm. Đây cũng là hai mã có có tác động mạnh nhất đến thị trường chung.

Thị trường đã giao dịch trở nên tiêu cực hơn trong phiên chiều. VN-Index lún sâu hơn vào tình trạng giảm điểm, đóng cửa mất 10,62 điểm tương ứng 1,22% còn 861,4 điểm. HNX-Index mất 1,09 điểm tương ứng 0,93% còn 115,72 điểm và UPCoM-Index mất 0,28 điểm tương ứng 0,48% còn 57,29 điểm.

Thanh khoản đạt 285,07 triệu cổ phiếu tương ứng 4.768,91 tỷ đồng trên HSX và 35,03 triệu cổ phiếu tương ứng 363,77 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 12,6 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 178,02 tỷ đồng.

Bức tranh thị trường nhuốm đỏ. Có tới 447 mã giảm giá, 35 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với con số 243 mã tăng và 30 mã tăng trần trên 3 sàn giao dịch HSX, HNX và UPCoM.

Toàn bộ 30 mã tiêu biểu nhất của sàn HSX đều bị mất giá và theo đó, VN30-Index cũng mất 10,8 điểm tương ứng 1,33% còn 803,36 điểm. Trong đó, CTD mất 3.600 đồng còn 81.000 đồng, VJC mất 1.500 đồng còn 107.500 đồng, BVH mất 1.250 đồng còn 47.100 đồng…

Đáng nói là các mã trụ cột mất giá và theo đó gây thiệt hại lớn cho chỉ số chung. Ngoài VHM và VIC thì VNM cũng mất 1.100 đồng còn 115.700 đồng, GAS mất 1.000 đồng còn 70.900 đồng, BID, VCB cũng giảm.

BVSC cho rằng, phiên hôm nay (21/7), VN-Index dự báo sẽ hồi phục trở lại trong phiên kế tiếp khi lùi về vùng hỗ trợ 850-860 điểm. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, nếu vùng hỗ trợ trên bị xuyên thủng thì chỉ số nhiều khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ mạnh 800-820 điểm trong ngắn hạn.

Trong giai đoạn tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại, thị trường sẽ chịu sự chi phối chính bởi yếu tố thông tin kết quả kinh doanh quý 2/2020 của các doanh nghiệp và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số như VN30, VNDiamond, VNFinlead…

Diễn biến của các cổ phiếu trong các rổ chỉ số trên dự kiến sẽ có sự sôi động hơn trong những tuần cuối tháng 7. Ngoài ra, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ khiến cho lợi nhuận của các công ty không được tích cực trong quý 2, qua đó có thể tạo ra áp lực giảm điểm với các nhóm cổ phiếu trên thị trường. 

Mai Chi