Thiệt hại 6 triệu USD, nguy cơ mất liên lạc vẫn còn
Sự chủ quan, chậm trễ trong cảnh báo để có phương án phòng chống kịp thời, được xem là nguyên nhân chính khiến cho cả trăm km cáp quang biển bị cắt trộm. Thời điểm này nếu tuyến cáp còn lại là SMW-3 cũng bị "khai thác" nốt thì nguy cơ cả Việt Nam mất liên lạc với thế giới là hiện hữu.
Sau công điện hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ, những công văn liên tục của Bộ Bưu chính Viễn thông, VNPT và những đoàn làm việc của Bộ Bưu chính Viễn thông ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, hàng loạt các giải pháp về phòng, chống xâm hại cáp quang đã được triển khai.
Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết, tất cả những gì có thể đều đã và đang được thực hiện như tăng cường tuần tra trên biển, phát sóng thông báo và kêu gọi ngư dân không xâm hại cáp quang, in tờ rơi tuyên truyền, chuẩn bị ban hành các quy định quản lý việc khai thác, thu mua, buôn bán các loại phế liệu trên biển...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, có nhiều nguyên nhân khiến cho tuyến cáp TVH bị cắt trộm tới cả trăm km. Từ quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép khai thác cáp cũ trên biển đã khởi động cả một phong trào “khai thác” cáp trên biển. Sự chủ quan là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm chạp trong công tác cảnh báo và xử lý của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý và khai thác tuyến cáp.
Thiệt hại sẽ được hạn chế, thậm chí không xảy ra những vụ cắt trộm cáp quang biển nếu Bộ Bưu chính Viễn thông và VNPT có sự cảnh báo ngay từ khi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép khai thác cáp cũ cách đây gần 1 năm chứ không phải đợi đến khi có thông tin chính thức về việc gián đoạn thông tin trên tuyến cáp TVH vào tháng 3/2007.
Thậm chí khi lần đầu tiên phát hiện đứt cáp TVH vào tháng 3/2007, VTI cũng vẫn chủ quan cho rằng: chỉ là sự đứt gẫy thông thường mà không tính đến những nguyên nhân khác như bị cắt trộm trong khi việc cho phép khai thác cáp cũ trên biển đã có từ rất lâu.
Nếu các nguyên nhân khác được tính đến, kêu gọi các cơ quan công an, biên phòng điều tra, kiểm tra một cách kịp thời thì số lượng cáp bị cắt trộm cũng không lớn tới cả trăm km, gây thiệt hại kinh tế lớn và khó khăn cho công tác sửa chữa và khắc phục.
Ngay cả khi được báo chí nhắc đến nhiều, tình trạng cắt trộm, phá hoại các tuyến cáp vẫn diễn biến phức tạp. Trong những ngày cuối tháng 5/2007, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục phát hiện và bắt giữ các vụ khai thác, vận chuyển trái phép cáp biển.
Cho đến tận ngày 31/5, VNPT mới có công văn khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ khi đó mới nắm được sự nghiêm trọng của vấn đề và có công điện hỏa tốc gửi các bộ, ngành, địa phương. Và khi đó, hàng loạt biện pháp phòng chống xâm hại cáp quang biển mới được triển khai.
Trả lời báo chí về vấn đề “mất bò mới lo làm chuồng”, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai cũng thẳng thắn thừa nhận: “Nói thế dù nặng nhưng cũng đúng. Trước đây, cả hai tuyến cáp TVH và SMW-3 đều chưa bao giờ bị đứt”.
Trong công văn gửi Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh hải quân về việc cho phép tàu nối cáp sửa chữa tuyến TVH, VNPT cho biết: tàu nối cáp chuyên dụng Asean Restorer sẽ thực hiện việc sửa chữa, khắc phục hệ thống TVH.
Theo kế hoạch dự kiến, tàu chuyên dụng Asean Restorer sẽ bắt đầu sửa chữa từ ngày 10/6 đến hết ngày 5/7, tức là trong vòng khoảng 1 tháng. VNPT cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh hải quân bố trí tàu hải quân tuần tra, bảo vệ tại các toạ độ trong thời gian sửa chữa. Các tàu tuần tra cũng ngăn chặn tình hình cắt trộm, đảm bảo an toàn tàu cáp, vật tư, thiết bị trong thời gian khôi phục hệ thống TVH. Công ty VTI cho biết, VNPT phải chịu 25% chi phí sửa chữa tuyến cáp TVH.
Ngày 6/6/2007, Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đã có báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Công điện số 659/CĐ-TTg ngày 31/5 của Thủ tướng về việc phòng, chống xâm hại cáp viễn thông ngầm trên biển và đảm bảo thông tin liên lạc.
Hội đồng giám định 5 mẫu cáp thu được đã đưa ra kết luận: trong 5 mẫu cáp có 2 mẫu do Alcatel sản xuất dùng trong hệ thống cáp TVH; thiệt hại gây ra cho tuyến TVH gần 6 triệu USD.
Đây quả thực là một con số thiệt hại ấn tượng và con số này sẽ còn cao hơn nhiều nếu tuyến cáp SMW-3 không được bảo vệ an toàn.
Theo Thanh Hà
VnEconomy