Thị trường thẻ thanh toán: Nhiều cuộc cạnh tranh hấp dẫn

Xu hướng thanh toán bằng thẻ tại Việt Nam đang ngày càng nở rộ với tỷ lệ doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ năm sau tăng gần gấp đôi năm trước. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các ngân hàng đẩy mạnh phát hành ra thị trường.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý 3 năm 2013, các tổ chức tín dụng đã phát hành gần 63 triệu thẻ; tăng 2,78 triệu thẻ (tương đương 4,62%) so với cuối quý 2 năm 2013. Trong đó thẻ nội địa là 57,23 triệu thẻ và 5,7 triệu thẻ quốc tế, tăng 440.000 thẻ (tương đương 8,36%). Nếu phân chia theo nguồn tài chính, số thẻ ghi nợ là hơn 58,2 triệu thẻ, tăng 2,46 triệu thẻ; thẻ tín dụng 2,27 triệu thẻ, tăng 180.000 thẻ; thẻ trả trước chiếm 2,45 triệu thẻ, tăng 140.000 thẻ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường thẻ thanh toán nói trên phản ánh rõ nét xu hướng tiêu dùng không bằng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ thanh toán lên tới 39%, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ này năm 2012. Tuy nhiên, hình thức thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng vẫn chiếm phổ biến đến 94%. Các hình thức khác như thanh toán qua ví điện tử và thẻ cào lại chưa có sự chuyển biến rõ nét.

 

Tuy vậy, theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài, quy mô dân số trẻ không ngừng mở rộng cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thương mại điện tử ngày càng thịnh hành là những yếu tố cơ bản khiến thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam, cả thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card), phát triển nhanh trong vài năm trở lại đây.

 

Còn theo đánh giá của Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu RNCOS, thì riêng trong giai đoạn 2011 – 2014, mức tăng trưởng của thị trường thẻ Việt Nam sẽ đạt khoảng 18,5%.

 

Đây cũng là lý do mà các ngân hàng trong nước lẫn nước ngoài thời gian gần đây tích cực triển khai đẩy mạnh khai thác phát triển thị trường này.
 
Thị trường thẻ thanh toán trong thời gian gần đây chứng kiến nhiều cuộc cạnh tranh hấp dẫn
Thị trường thẻ thanh toán trong thời gian gần đây chứng kiến nhiều cuộc cạnh tranh hấp dẫn
 

Cụ thể, mới đây, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) cũng vừa phát hành  sản phẩm thẻ mới mang thương hiệu My Card trên toàn quốc với đầy đủ các chức năng như: rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán trực tuyến, thực hiện các dịch vụ giá trị gia tăng hiện có như mua vé máy bay, thanh toán tiền điện, quản lý và thực hiện các giao dịch ngân hàng khác, với 3 hạng là hạng chuẩn, hạng vàng và bạch kim, cho phép người dùng thực hiện giao dịch thanh toán tại hàng nghìn ATM/POS trên cả nước.

 

Để gia tăng các quyền lợi cho người dùng thẻ, ngân hàng này cũng đã thực hiện kết nối với các Ngân hàng thuộc các Tổ chức chuyển mạch thẻ quốc tế: Union của Trung Quốc, KFTC của Hàn Quốc, ITMX của Thái Lan, MEPS của Malaysia hay UC của Nga…

 

Lãnh đạo GP.Bank cho biết, “thẻ My Card nằm trong bộ sản phẩm thẻ ghi nợ nội địa cùng với thẻ My Style – đã được GP.Bank phát hành thành công trước đây. Hiện tại GP.Bank đã có 80 điểm giao dịch trên cả nước và cùng với việc kết nối hệ thống Smartlink, Banknetvn ở trong nước, các chủ thẻ của GP.Bank có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ thanh toán tại hàng nghìn ATM/POS trên cả nước”.

 

Ngoài ra, theo đại diện của GP.Bank, vào khoảng đầu tháng 3 này, GP.Bank sẽ triển khai chương trình khuyến mại cho tất cả các khách hàng đổi thẻ và phát hành thẻ mang thương hiệu My Card.

 

Trước đó, một loạt các đại gia ngân hàng cũng đồng loạt công bố phát hành thẻ mới và đưa ra nhiều chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích mở thẻ với nhiều giải thưởng và chiết khấu hấp dẫn.

 

Như vậy, với sự gia nhập và nhiều ưu đãi của các tổ chức phát hành thẻ, thị trường thẻ thanh toán của Việt Nam hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc cạnh tranh hấp dẫn và điều quan trọng, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi sử dụng thanh toán qua thẻ.

 

PV
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước