1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường đồ ăn vặt ở đất nước “tỷ dân” rất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt

(Dân trí) - Thức ăn vặt tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc có thể lên tới hàng chục triệu tấn/năm. Đây là con số “khổng lồ”, đầy tiềm năng để doanh nghiệp Việt khai thác.

Thị trường đồ ăn vặt ở đất nước “tỷ dân” rất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt - 1

Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội bước vào thị trường đồ ăn vặt Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc như... “mỏ vàng”

Trong buổi tọa đàm “Kinh nghiệm xuất khẩu - Xu hướng thị trường Châu Á và thế giới” do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức thì nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đã phân tích, “mổ xẻ” các thị trường. Trong đó đáng chú ý là thị trường thực phẩm ăn vặt tại Trung Quốc đang tràn đầy tiềm năng.

Theo các chuyên gia, hiện nay nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng và bền vững, tỉ lệ đô thị hóa vẫn tiếp tục phát triển, dân thành phố cũng ngày một gia tăng và thu nhập bình quân đầu người đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt.

Tất cả những yếu tố nói trên đã tạo nên những cơ hội cho thị trường ngành thực phẩm ăn vặt có không gian để phát triển.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ cho biết, thức ăn vặt là một loại hình tiêu dùng nhanh ngoài những bữa ăn chính. Trong những kỳ nghỉ hay những giờ giải lao con người sẽ sử dụng thức ăn vặt như: kẹo, trái cây sấy, rau câu, mứt, chè, các loại ngũ cốc rang…

“Khi ăn vặt, con người sẽ giảm bớt áp lực về tâm lý. Thức ăn vặt giúp người ăn giải tỏa tâm trạng, thoải mái. Thức ăn vặt đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng hàng ngày của mọi người”, ông Viên nói.

Thị trường đồ ăn vặt ở đất nước “tỷ dân” rất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt - 2

Ông Nguyễn Lâm Viên, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ chia sẻ thông tin về thị trường thức ăn vặt. Ảnh: Đại Việt

Ông Viên chia sẻ, từ năm 2011 đến năm 2017, lượng thức ăn vặt tiêu thụ của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Tỉ lệ tăng trưởng toàn ngành trung bình năm đạt 3,58%, lượng tiêu thụ của năm 2012 là 14,2 triệu tấn, đến năm 2017 tăng trưởng đến 16,93 triệu tấn.

Năm 2018, lượng tiêu thụ thức ăn vặt tại Trung Quốc đạt 17,49 triệu tấn, đến năm 2019, sản lượng tiêu thụ dự kiến là 18,26 triệu tấn.

Ngành thức vặt tại Trung Quốc không ngừng tăng trưởng cũng thúc đẩy quy mô thị trường mở rộng hơn. Năm 2012, quy mô thị trường thức ăn vặt Trung Quốc là 362,5 tỷ Nhân dân tệ. Đến năm 2017 là 484,9 tỷ Nhân dân tệ.

Năm 2018 quy mô ngành thức ăn vặt đạt hơn 500 tỷ Nhân dân tệ. Dự kiến, năm 2019 ngành thức ăn vặt Trung Quốc sẽ đạt khoảng hơn 543,9 tỷ Nhân dân tệ.

Muốn vào thị trường “tỷ dân” thì cần biết những điều này

Những năm gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài phát triển rất nhanh tại thị trường Trung Quốc và đang có rất nhiều cơ hội, ưu đãi từ thị trường này, điển hình như KFC, McDonald's....

Các doanh nghiệp nói trên đã nắm bắt được cơ hội mở cửa, ưu đãi về thuế của Chính phủ Trung Quốc và lựa chọn được phương thức kinh doanh phù hợp với người dân tại đây nên nhận được sự ủng hộ, yêu thích của người dân.

Ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ, trong bối cảnh tình hình kinh tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tranh giành “miếng bánh” thơm ngon này.

Theo ông Viên, với sự hội nhập của nền kinh tế thế giới, những trở ngại mà các công ty nước ngoài gặp phải vào thị trường Trung Quốc chủ yếu là do sự khác biệt lớn về văn hóa, môi trường giao dịch khác nhau và ý nghĩa thương hiệu khác nhau.

“Trong quá trình thâm nhập thị trường Trung Quốc đại lục, các doanh nghiệp nên chọn kênh bán hàng phù hợp và áp dụng phương pháp marketing phù hợp với quy định của Trung Quốc để đảm bảo sự phát triển ổn định, thuận lợi của sản phẩm tại thị trường này”, ông Viên nói.

Thị trường đồ ăn vặt ở đất nước “tỷ dân” rất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt - 3

Các doanh nghiệp trẻ đã rất háo hức khi được những "đàn anh" đi trước truyền đạt kinh nghiệm vào thị trường "tỷ dân". Ảnh: Đại Việt

Cũng theo ông Viên, văn hóa khác biệt là vấn đề đầu tiên sẽ gặp phải khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Nếu doanh nghiệp đứng ở góc nhìn văn hóa quốc gia mình để nhận định thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc thì rất dễ bị mắc sai lầm, hoặc cứ bám sát truyền thống của Trung Quốc mà đánh mất đặc tính văn hóa sản phẩm của mình cũng sẽ tốn công, phí sức và không mang lại hiệu quả.

Ông Viên lấy ví dụ, trong những ngày đầu rượu vang vào thị trường Trung Quốc, để tiếp cận được người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã chọn khởi đầu từ kênh bán rượu truyền thống. Ban đầu, các doanh nghiệp tiếp cận được khá nhiều người tiêu dùng, nhưng sự “bùng nổ” văn hóa sử dụng rượu vang vẫn mãi không được hình thành.

Do đó, trước khi vào thị trường Trung Quốc cần phải hiểu rõ sự khác biệt về văn hóa, đây là chú ý đầu tiên khi thâm nhập thị trường này.

Hiện nay, ở Trung Quốc, người tiêu dùng rất chú trọng về thương hiệu. Người dân mua sắm thời trang, ô tô, nội thất, điện gia dụng, mỹ phẩm… đều nhất thiết phải có thương hiệu. Thế nhưng, ý nghĩa của thương hiệu tại mỗi quốc gia lại có phần  khác nhau.

Ông Viên chia sẻ một ví dụ điển hình, Tập đoàn hàng tiêu dùng P&G nổi tiếng trên thế giới đến thị trường Đài Loan (Trung Quốc) được người dân dịch thương hiệu là Bao Jian, tức là Bảo Thiêm.

Còn tại thị trường Trung Quốc đại lục lại được dịch là Bao Jie, tức là Bảo Khiết và từ “Khiết” có ý nghĩa là sạch sẽ, đúng với tính chất sản phẩm. Do đó, P&G nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng, thương hiệu được khẳng định. Chính vì vậy, giải quyết vấn đề khác nhau về ý nghĩa thương hiệu cũng là vấn đề cần chú trọng tại thị trường này.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, vấn đề đáng lưu tâm tiếp theo khi “bước chân” vào thị trường Trung Quốc đó là vấn đề về chính trị, pháp luật. Đây cũng là những vấn đề tiềm ẩn những rủi ro nhất định, cần nghiên cứu thật kỹ, nắm bắt động thái của thị trường mục tiêu. Đôi khi chính vì sự thiếu kiến thức về chính trị, kinh tế, luật pháp của Trung Quốc mà dẫn đến chiến lược thất bại.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt về mô hình quản lý bán hàng, giá cả, bao bì, dịch vụ…. Những vấn đề này cần được phân tích và nghiên cứu kỹ trước khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, bởi những điều nói trên có mối quan hệ mật thiết đến chiến lược bán hàng, quản lý tại thị trường này.

 Đại Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm