Thị trường đất đấu giá: Chủ đầu tư tháo chạy!
Theo như kế hoạch năm 2012 Hà Nội đặt chỉ tiêu thu ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng từ tiền đất đấu giá. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như khó thành công do thị trường bất động sản trầm lắng.
Chính vì các nhà đầu tư đồng loạt “bỏ của chạy lấy người” mà kế hoạch đấu giá đất huyện Gia Lâm gặp không ít vướng mắc thậm chí Huyện phải tổ chức đấu giá lại các khu đất với giá thấp hơn rất nhiều so với đợt đấu giá trước. Việc làm này khiến cho ngân sách nhà nước tiếp tục thất thu.
Theo ông Nguyễn Văn Toản- Giám đốc Ban dự án huyện Gia Lâm cho biết, do thị trường bất động sản sụt giảm nên kế hoạch đấu giá đất của huyện cũng gặp rất khó khăn khi mà các khách hàng bỏ cọc, xin rút tiền hoặc không chịu đóng tiền tiếp. Dự kiến huyện tổ chức đấu giá lại với mức đấu sẽ thấp hơn.
Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản ảm đạm, nên sản phẩm đấu giá chưa thu hút nhà đầu tư hoặc kết quả thu được không cao. Lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao cộng với chính sách thắt chặt cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc bán hàng, huy động vốn.
Bên cạnh đó, do một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch nên hạ tầng kỹ thuật chưa xong, dẫn đến người trúng đấu giá chưa nộp tiền, thì có nhiều quận, huyện để nợ quá hạn cao, nhưng chưa ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá theo quy định của quy chế đấu giá.
Mặc dù khó khăn như vậy nhưng năm 2012, Hà Nội dự kiến sẽ có 53 dự án đủ điều kiện được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích đất nghiên cứu hơn 360.000ha, dự kiến thu về cho ngân sách khoảng 2.500 tỉ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, xét tình hình thực tế nhiều khả năng con số đưa ra khó có thể đạt được.
Bởi chỉ tính năm 2011, kế hoạch đấu giá đất đề ra đạt hơn 1.000 tỷ đồng nhưng không có địa phương nào đạt chỉ tiêu trong đó nhiều quận, huyện đã tổ chức đấu giá thành công nhưng không thu được tiền. Hiện, chỉ tính riêng số tiền trúng đấu giá đất bị nợ quá hạn hơn 700 tỷ đồng. Cụ thể như huyện Gia Lâm (504 tỷ đồng), huyện Đông Anh (160 tỷ đồng), huyện Thanh Trì (29 tỷ đồng), quận Cầu Giấy (13 tỷ đồng)... .
Theo Anh Đào
VnMedia