Thị trường chứng khoán: Xuất hiện phiên điều chỉnh
Diễn biến thị trường chứng khoán trong suốt tháng 8/2006 cho thấy, chỉ số VN-Index cứ sau ba, bốn phiên tăng điểm lại xuất hiện một vài phiên điều chỉnh giảm.
Xu hướng điều chỉnh của thị trường trong thời gian qua là minh chứng cho sự phát triển, tuy chậm nhưng rất vững chắc của thị trường.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, khả năng tăng của VN-Index trước mắt vẫn tiềm ẩn những bất ổn vì tâm lý đầu cơ ngắn hạn vẫn tồn tại và chi phối phần lớn các nhà đầu tư.
Mặt khác, room của các cổ phiếu lớn, có tiềm năng được giới đầu tư nước ngoài quan tâm đang dần cạn, đến một thời điểm nào đó khi room của các khối đầu tư nước ngoài hết, diễn biến của VN-Index sẽ chủ yếu phụ thuộc vào các nhà đầu tư trong nước.
Theo thống kê từ Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM, khối lượng và giá trị giao dịch mua vào cổ phiếu của khối nhà đầu tư nước ngoài trong phiên này đã giảm gần 30% so với phiên trước với tổng cộng 424.470CP được mua vào, tương đương 28 tỷ đồng giá trị.
Tuy nhiên trong số 24 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ nằm trong danh sách mua vào, khối lượng tập trung chủ yếu vào 2 cổ phiếu BMP và GMD. Mặc dù khối lượng giao dịch chiếm 60%, nhưng giá trị giao dịch của hai cổ phiếu chiếm hơn 70% tổng giá trị mua vào của khối các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bảng thống kê giao dịch mua vào của nhà đầu tư nước ngoài trong phiên này cũng như các phiên gần đây thiếu vắng cổ phiếu BT6 và REE bởi tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với hai cổ phiếu này đã đạt mức tối đa cho phép (49%), các cổ phiếu như AGF (47,18%), GIL (40,92%), SAM (41,17%), TMS (40,86%), STB (30%), VNM (34,71%)... có giao dịch nhưng chỉ được mua với số lượng ít để cầm chừng vì sắp cạn room.
Trong khi đó, bên bảng thống kê giao dịch bán ra của khối này với 17 mã cổ phiếu nhưng tổng khối lượng và giá trị giao dịch chỉ bằng 1/10 lượng mua vào.
Việc sụt giảm về lượng giao dịch của khối các nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến khối lượng giao dịch chung của toàn thị trường cũng giảm. So với phiên trước, tổng khối lượng và giá trị giao dịch cổ phiếu trong phiên này đã giảm 25%.
Diễn biến thị trường trong phiên cho thấy cung và cầu cổ phiếu đều giảm, tuy nhiên theo thống kê tổng lượng cung (5,86 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) vẫn cao hơn tổng cầu (4,65 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ). Đã thế, trong danh sách 42CP giảm giá phiên này, có mặt đầy đủ các cổ phiếu chủ chốt, có lượng giao dịch khá lớn như BMP, CII, GMD, HAP, REE, SAM, STB, VNM, VSH...
Trong các cổ phiếu giảm giá, giảm mạnh nhất là KDC (- 2.500đ/CP); kế đến là AGF, NKD, STB (- 1.500đ/CP); BMP, COM, REE, SAM, SHC, SSC, VTC giảm 1.000đ/CP. Các cổ phiếu còn lại có mức giảm từ 900đ/CP trở xuống. Chính vì thế mà VN-Index đã giảm mạnh 6,4 điểm xuống còn 511,21 điểm khi kết thúc phiên giao dịch.
Trong bối cảnh thị trường giảm hàng loạt, có 7 cổ phiếu tăng giá trong đó có 3 mã vẫn tăng kịch trần là FPC, CAN, KHA. 4 mã khác tăng là SJS (+ 2.000 đ); VFC (+ 800đ); TYA (+ 500 đ) và HAS (+ 300đ). Lượng giao dịch của các cổ phiếu tăng giá, ngoại trừ CAN và HAS, đều đạt khá cao, đặc biệt là SJS, TYA và KHA. Các cổ phiếu này đã góp phần làm giảm tốc độ trượt dốc mạnh của VN-Index.
Tại sàn Hà Nội, chỉ số HASTC giảm 1,05 điểm so với phiên trước và đạt 196,72 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 4,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 400 triệu đồng.
Theo Hồng Kỳ
VnEconomy