1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường chứng khoán quá "nóng"

Chưa bao giờ thị trường chứng khoán Việt Nam lại "sôi sục" như hiện nay. Phiên giao dịch chứng khoán ngày 04/4 có tới 2,57 triệu cổ phiếu các loại và 66.000 triệu chứng chỉ quỹ được khớp lệnh qua sàn với giá trị lên tới 161,1 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với phiên trước đó.

Phiên giao dịch 10 triệu USD này đã đánh dấu cột mốc phát triển mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng cũng khiến các nhà quản lý lo lắng về tốc độ tăng trưởng quá "nóng" của thị trường.

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, giá cổ phiếu bình quân tại trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM đã tăng 71%. Nhiều cổ phiếu đã đạt mức giá kỷ lục, tăng gấp đôi so với mức giá tại thời điểm ngày 3/1.

Chỉ số VNIndex đã vượt qua mốc 500 điểm, đạt 505,42 điểm vào phiên ngày 4/4 (tăng khoảng 70% so với đầu năm), còn chỉ số HASTCIndex cũng xấp xỉ gần 200 điểm. Lượng tiền đổ vào mỗi phiên giao dịch ở sàn TPHCM tăng dần từ 40-50 tỷ đồng/phiên lên tới hơn 100 tỷ đồng/phiên và đạt mức kỷ lục 10 triệu USD vào phiên ngày 4/4. Tại sàn Hà Nội, giá trị giao dịch cũng tăng từ 3 tỷ đồng lên hơn 24 tỷ đồng vào phiên ngày 3/4.

Theo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, trong điều kiện quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ như hiện nay, hiện tượng tăng giá của các cổ phiếu trên thị trường xuất phát từ sự gia tăng các luồng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, trong đó nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại và công ty tài chính chiếm một tỷ trọng đáng kể.

Theo nhận định của các chuyên gia, các nhà đầu tư hiện nay đang đổ tiền vào đầu tư chứng khoán do nguồn này đang mang lại lợi nhuận lớn và có những cổ phiếu hấp dẫn. Thị trường bất động sản đóng băng, giá vàng lên xuống thất thường khả năng rủi ro cao, trong khi giá đôla ổn định là những lý do khiến các nhà đầu tư dồn hết luồng tiền vào thị trường chứng khoán.

Theo thống kê của Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 20/3 có khoảng 13 triệu cổ phiếu các loại được cầm cố với tổng giá trị khoảng 751 tỷ đồng. Trong số chứng khoán cầm cố nói trên, có không ít nhà đầu tư vay tiền ngân hàng để đầu tư chứng khoán và tiếp tục cầm cố để được vay tiếp.

Trước sự sôi sục của thị trường, hạn mức cho vay đối với hợp đồng cầm cố chứng khoán tại một số công ty chứng khoán được nới rộng ra gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Tại một số công ty chứng khoán như Công ty chứng khoán Công thương, Công ty chứng khoán Bảo Việt, khách hàng vay cầm cố chứng khoán được Ngân hàng Nhà Hà Nội cho vay với hạn mức tối đa là 1 tỷ đồng/người, thay vì mức 500 triệu đồng như trước đây.

Tuy nhiên, giá trị cho vay giảm từ 60% xuống còn 50% giá trị cổ phiếu cầm cố tính theo thị giá. Hiện nay, một số ngân hàng cho vay cầm cố chứng khoán với khối lượng khá lớn. 

Theo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, hoạt động đầu tư chứng khoán dựa vào việc vay, cầm cố cần sự luân chuyển cổ phiếu nhanh. Đây cũng là biểu hiện của hoạt động đầu tư ngắn hạn (đầu cơ) trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư trong trường hợp giá cả chứng khoán có nhiều biến động.

Ngày 3/4, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có công văn hỏa tốc gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị phối hợp quản lý rủi ro liên quan đến thị trường chứng khoán. Uỷ ban đề nghị Ngân hàng Nhà nước có những hướng dẫn phù hợp đối với các tổ chức tín dụng nhằm quản lý chặt chẽ việc cho vay cầm cố bằng cổ phiếu để phòng ngừa những rủi ro đối với ngân hàng thương mại nói riêng và đối với thị trường vốn nói chung.

Ngoài việc đề nghị phối hợp liên ngành siết chặt quản lý thị trường, trước đó vào ngày 23/3 và 31/3, Uỷ ban cũng đã có công văn yêu cầu các công ty chứng khoán tuân thủ các quy định về giao dịch chứng khoán và yêu cầu các Trung tâm Giao dịch chứng khoán tăng cường quản lý và giám sát hoạt động giao dịch.

Theo TTXVN