Thị trường cao ốc: Cung không đủ cầu

Do một thời gian dài thị trường địa ốc chỉ có “địa” mà không có “ốc” đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt các cao ốc văn phòng. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang vào cuộc đua xây cao ốc vì hiện cung không đủ cầu.

Khan hiếm mặt bằng dịch vụ

 

Tòa nhà The Manor nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh với trị giá căn hộ cả trăm ngàn USD đã nhanh chóng bán sạch và chủ đầu tư Bitexco ngay lập tức triển khai dự án mới tại trung tâm quận I.

 

Thực tế này trái hẳn với những thông tin về thị trường đóng băng. Danh sách khách hàng đăng ký dày đặc, đến độ phòng tiếp thị công ty phải hẹn giờ lên danh sách tiếp khách.

 

SADECO có tới 14 dự án với tổng diện tích khoảng 700ha, nhưng hiện tại chỉ có 1 dự án đang chào bán là khu định cư An Phú Tây. Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Châu, tổng giám đốc SADECO đã lắc đầu khi có khách hàng hỏi về một số vị trí đẹp trong dự án: “Bán hết rồi”.

 

Theo các doanh nghiệp, có sự tập trung vào các cao ốc, bởi người tiêu dùng đã ngán ngẩm với những chào hàng “giao nền xây dựng ngay”. Vì những dự án giao nền đất, hạ tầng xung quanh thường không có. Nên có nền cũng không dám xây dựng.

 

Ngoài căn hộ tại các cao ốc, thì theo CB Richard Ellis Vietnam (CBRE) - một tập đoàn chuyên về tư vấn, quản lý bất động sản, diện tích mặt bằng cho thuê tại các trung tâm thương mại ở TPHCM chỉ khoảng 100.000 m2 , chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt bằng dịch vụ thương mại cao cấp của các doanh nghiệp.

 

Trong vòng 3 năm tới, sẽ có thêm khoảng 100.000m 2 nữa của các cao ốc đang xây dựng được đưa vào sử dụng. Và số diện tích tăng thêm này dự báo vẫn chưa vượt quá nhu cầu, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO.

 

Lĩnh vực mặt bằng cho thuê phục vụ nhu cầu mở văn phòng của doanh nghiệp cũng trong tình trạng khan hiếm tương tự. Hầu hết các cao ốc văn phòng cho thuê thường xuyên đạt công suất trên 90%.

 

Có tình trạng đó bởi nhiều công ty lớn quốc tế đã có những bước chuẩn bị mở rộng quy mô, và nhu cầu văn phòng cho thuê đã tăng lên. Chẳng hạn, Intel đã thuê toàn bộ tầng 30 Saigon Trade Center...

 

Mở cầu đầu tư mới

 

Có thể nói, đầu tư cao ốc thực sự là một khuynh hướng nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh Việt Nam sớm gia nhập WTO. Vì ngay tại Đà Nẵng, trong tình hình đất nền dự án 5-7 triệu đồng/m2 đang ế, thì Indochina Land đã khởi công đầu tư toà nhà Indochina Riverside Towers (dự kiến hoàn thành quý 2.2008) với giá bán bình quân lên tới 1.000USD/m2 .

 

Lý lẽ của nhà đầu tư là đất ế, nhưng cao ốc sẽ không ế bởi chất lượng dịch vụ và hạ tầng đồng bộ. Indochina Land mạnh dạn đầu tư tại Đà Nẵng trên cơ sở thành công của 2 toà nhà 63 Lý Thái Tổ ở Hà Nội và Saigon Center ở TPHCM. Những toà nhà này thường xuyên đạt hiệu suất cho thuê trên 90%.

 

Cuộc vận động xây dựng cao ốc 54 tầng tại Công viên 23/9 là bức xúc của chủ đầu tư do nhìn thấy thị trường tương lai, nhưng không thể chờ làm ở Thủ Thiêm vì sợ mất cơ hội đầu tư.

 

Có thể nói, những nhận xét tích cực về thị trường của tập đoàn CBRE trên mạng lưới toàn cầu đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư địa ốc đến Việt Nam.

 

Tuy nhiên, việc tìm đất cho những cao ốc như vậy là khó khăn. Ông Marc Townsend, tổng giám đốc CBRE, nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy so với năm ngoái, doanh số bán tại các cao ốc đã tăng 30%.

 

Trái với những thông tin về thị trường địa ốc đóng băng. Vài ngày qua, tôi đã tiếp hàng chục nhà đầu tư từ Tokyo, Singapore, Malaysia....Họ đều xác định TPHCM là nơi tốt để đầu tư địa ốc, nhưng không biết bắt đầu từ đâu...”

 

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư trong nước được giao đất lại không có thực lực để làm. Tổng giám đốc một công ty địa ốc bật mí: “Chúng tôi tập trung làm cho xong dự án cũ vì...sợ bị Nhà nước thu hồi đất nếu làm chậm trễ.”

 

Nhiều nhà đầu tư không có thực lực tìm cách bán lại dự án. Trong bối cảnh đó, công ty CP địa ốc ACB (ACBR) đã có động thái “rất...thị trường”: cho ra đời sàn giao dịch dự án bất động sản hồi tuần vừa qua. Mục tiêu của sàn là nơi công khai thông tin, để nhà đầu tư tìm được dự án, và chủ dự án tìm được nhà đầu tư thực lực.

 

Theo Kim Văn

Báo SGTT