Thép Việt đủ sức tránh “tiếng xấu” xuất khẩu thay Trung Quốc
(Dân trí) - Theo giới phân tích, từ năm nay trở đi, Việt Nam sẽ chứng minh được nguyên liệu sản xuất không có xuất xứ từ Trung Quốc, qua đó tránh được “tiếng xấu” là xuất khẩu thay cho Trung Quốc và từ đó có thêm cơ sở để đàm phán về các biện pháp bảo hộ thương mại với Mỹ.
Việt Nam "vạ lây" vì Trung Quốc?
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố sẽ đánh thuế cao đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ nhằm bảo vệ ngành luyện kim trong nước. Ông Trump cho biết sẽ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.
Như vậy, với quyết định mới của ông Trump, ngành thép Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 12 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, thị trường thép thế giới vẫn đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ với nhiều sự kiện lớn xảy ra. Bắt đầu từ năm 2015, Trung Quốc phá giá thép để xuất khẩu khi giá thép lao dốc, khiến cho Mỹ - quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới áp 14 loại thuế chống bán phá giá (CBPG) và 10 loại thuế tự vệ lên sắt thép Trung Quốc chỉ trong hai năm 2016 và 2017.
Hai vụ kiện tiêu biểu nhất đã khiến Trung Quốc gần như không thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ, khi thép cán nguội CRC chịu mức thuế trên 522% và thép không gỉ chịu thuế trên 238%.
Trung Quốc buộc phải tìm cách tiêu thụ lượng thép dư thừa bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước ASEAN. Trong đó, Việt Nam nổi bật bởi vừa có nhu cầu thép tăng trưởng mạnh, đồng thời là một xưởng gia công thép xuất khẩu đi rất nhiều nước, trong đó có Mỹ.
Ngay trong năm 2016 khi Mỹ áp thuế CBPG lên thép Trung Quốc, lượng thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gần 3 lần, mức tăng mạnh nhất trong các nước xuất khẩu thép sang thị trường này. Thêm nữa, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu 6,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc trong 11 tháng năm 2017, chiếm tới 47% tổng lượng nhập.
Vì vậy, Việt Nam cũng nằm trong “tầm ngắm” của Chính phủ Mỹ, khi nước này cho rằng Trung Quốc có thể đang dùng Việt Nam để né thuế phòng vệ thương mại.
Là tin vui và động lực cho ngành thép
Tuy nhiên, VDSC nhìn nhận, việc áp thuế nếu xảy ra, sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết. Thậm chí, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu cho thép Trung Quốc có thể là tin vui và là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa.
Theo đó, các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn nhiều cách tiếp cận thị trường Mỹ, bởi mục tiêu của chính phủ nước này là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để né thuế.
Như vậy, bằng việc sản xuất từ thượng nguồn hoặc sử dụng bán thành phẩm được sản xuất trong nước, theo VDSC, các doanh nghiệp vẫn có thể chứng minh xuất xứ Việt Nam để bán hàng tại thị trường khắt khe như Mỹ, khối EU và Úc.
Trước đây, Việt Nam xuất khẩu thép cán nguội và tôn mạ vào thị trường Mỹ trong khi ngành sản xuất nội địa không hề có khả năng cung ứng thép cán nóng, đều phải nhập khẩu (phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc). Đây chính là lý do các nhà máy tôn mạ Việt Nam nằm trong danh sách xem xét áp thuế của Mỹ.
Sang năm 2017, ngành thép nội địa Việt Nam đã sản xuất gần 10 triệu tấn thép thô và gần 1,3 triệu tấn thép cán nóng HRC, đều là những sản phẩm phù hợp quy định về xuất xứ của Mỹ. Dự kiến trong năm 2019, các lò cao mới của Formosa Hà Tĩnh và Hoà Phát đi vào hoạt động nâng tổng công suất HRC của thị trường nội địa lên khoảng gần 10 triệu tấn/năm.
VDSC cho rằng, đây là nguồn cung bán thành phẩm dồi dào cho các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen và Nam Kim, đồng thời là nhân tố quan trọng để “hoá giải” các quy định khắt khe về xuất xứ được áp dụng không chỉ tại một số thị trường mà còn đóng vai trò then chốt trong nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.
Như vậy, việc áp thuế đánh vào nguồn gốc xuất xứ đang đóng vai trò động lực thúc đẩy các doanh nghiệp thép Việt Nam đầu tư theo chiều sâu, sản xuất từ thượng nguồn, vừa tăng giá trị cho ngành sản xuất nội địa, vừa cải thiện sức cạnh tranh tại thị trường hội nhập.
Khó khăn chỉ là trước mắt
Cùng chung quan điểm, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá, mặc dù chắc chắn sẽ gặp khó khăn sau quyết định áp thuế của Mỹ nhưng điểm tích cực đối với ngành thép của Việt Nam là từ năm nay trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam sẽ đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa) do có nhiều dự án mới đi vào hoạt động.
Cụ thể, Fomosa đã đưa lò cao số 1 hoạt động từ tháng 7/2017. Dự kiến đến năm 2018, lò cao số 2 tiếp tục được vận hành, cung cấp sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép thanh, thép dây cho thị trường với tổng công suất khoảng 7 triệu tấn/năm.
Tập đoàn Hoà Phát cũng đang đầu tư xây dựng lò cao tại Quảng Ngãi, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019 với công suất 2 triệu tấn thép thanh và thép dây/năm trong giai đoạn 1; giai đoạn 2 sẽ đóng góp 3 triệu tôn cuộn cán nóng….
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2018, tăng trưởng sản xuất thép cuộn cán nóng và thép lá cuộn cán nguội sẽ đạt lần lượt 154% và 5%; tăng trưởng tôn mạ và sơn phủ màu đạt 12%.
BVSC cho rằng, điều này sẽ giúp Việt Nam chứng minh được nguyên liệu sản xuất không có xuất xứ từ Trung Quốc, qua đó tránh được “tiếng xấu” là xuất khẩu thay cho Trung Quốc và từ đó có thêm cơ sở để đàm phán về các biện pháp bảo hộ thương mại với Mỹ.
Bích Diệp