Thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt về Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước
(Dân trí) - Trong 6 tháng, Việt Nam nhập khẩu gần 6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, trong đó, Trung Quốc chiếm 74% với kim ngạch 2,5 tỷ USD.
Theo số liệu từ cơ quan Hải quan, trong tháng 6, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Giá nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân là 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45-108 USD/tấn.
Lũy kế 6 tháng, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước.
Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác. Giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép HRC tại Việt Nam vào khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn.
"Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán hàng HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa đã giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023", hiệp hội đánh giá.
Trong khi đó, đơn vị này cho biết doanh nghiệp trong nước lại không khai thác được hết công suất thiết kế do phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá.
Trong năm 2023, sản xuất của doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng của Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021. Trong khi đó năm 2023, lượng thép HRC nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước.
Đặc biệt, lượng thép HRC nhập khẩu 6 tháng vẫn tiếp tục tăng mạnh, gấp 1,7 lần sản xuất trong nước là một thực trạng đáng báo động.
Theo VSA, hiện nay lượng sản xuất thép của các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 37% nhu cầu tiêu thụ. Từ năm 2019, hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu MFN đang duy trì.
Trong khi đó, năng lực sản xuất thép HRC tại Việt Nam đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (8,5/12 triệu tấn) và nhưng hiện nay lại không có thuế nhập khẩu MFN và chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước.
"Điều này dẫn đến thị trường Việt Nam đang là chỗ trũng cho hàng nhập khẩu từ các nước lân cận, đồng thời có thể bị lợi dụng làm nền tảng để các cường quốc thép xuất khẩu sang các thị trường Âu Mỹ", VSA đánh giá.
Hiệp hội cho rằng ngành thép Việt Nam, đặc biệt là sản xuất thép chất lượng cao và thép HRC khá thiệt thòi do trước đây không sản xuất được nên các hiệp định, cam kết quốc tế đều đang có mức thuế nhập khẩu bằng 0%.
"Những năm gần đây, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tự chủ được nhiều sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là thép cán nóng. Việt Nam hiện đang có vị thế dẫn đầu Đông Nam Á về sản xuất thép. Do vậy, Chính phủ và các bộ ngành cần có biện pháp kịp thời để bảo vệ sản xuất trong nước", hiệp hội đề nghị.