Thép Thái Nguyên kẹt giữa đôi đường: Về SCIC hay ở lại Bộ Công Thương
(Dân trí) - Mong muốn được thoái vốn Nhà nước đến tỷ lệ tư nhân có thể quyết được chiến lược đầu tư kinh doanh, song Thép Thái Nguyên đang kẹt giữa hai phương án: chuyển giao đại diện chủ sở hữu về SCIC hoặc tiếp tục ở Bộ Công Thương để giải quyết những tồn tại.
Theo yêu cầu của Chính phủ, Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (công ty mẹ của Gang Thép Thái Nguyên (VNSteel) phải khẩn trương rà soát tình hình tài chính, tài sản, đất đai, mỏ… để xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến một số tổng thầu cũng như trách nhiệm bảo lãnh của mình. Trên cơ sở đó, VNSteel cần tiếp tục hiện phương án thoái vốn của mình tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) theo đúng thẩm quyền, quy định và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương – đơn vị nắm phần vốn nhà nước tại VNSteel cũng cần tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để lập kế hoạch với thời hạn cụ thể, xử lý các vướng mắc về các dự án thua lỗ, việc giải quyết vốn vay tại TISCO. Theo yêu cầu của Chính phủ, việc thoái vốn cần xây dựng trên cơ sở hai phương án, gồm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc giữ lại Bộ Công Thương để tiếp tục xử lý có hiệu quả hơn.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần sớm có phương án thoái vốn để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
VNSteel cũng vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 và kế hoạch phát triển cho năm 2018.
Theo báo cáo, năm 2017, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Tổng Công ty Thép Việt Nam đạt hơn 19.802 tỷ đồng, tăng 1.953 tỷ đồng, tương ứng 10,9% so với năm 2016. Trong đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tổng công ty năm 2017 đạt hơn 898,1 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đặt ra (300 tỷ đồng). Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp VNSteel đạt lợi nhuận.
Tại đại hội, những vấn đề còn khó khăn vướng mắc của Giang Thép Thái Nguyên cũng được nhắc đến. Dù được đánh giá là có điểm sáng nhưng dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO còn nhiều tồn tại, khó khăn chưa được khắc phục, nên đến nay vẫn chưa thể hoạt động, đặc biệt là việc chi phí sản xuất còn ở mức cao, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều…
Theo lãnh đạo của VNSteel, khó khăn lớn nhất của TISCO hiện nay vẫn là vấn đề đầu tiên, tức tiền đâu khi phải cùng lúc tổ chức sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho 5.000 lao động, vừa thực hiện dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2. Chính vì có quá nhiều yếu tố cùng lúc tác động nên dự án chậm tiến độ khiến doanh nghiệp không thu xếp được nguồn vốn để trả nợ cho các ngân hàng.
Báo cáo của TISCO cho hay tổng vốn điều lệ của công ty là 1.840 tỷ đồng. TISCO đã chi cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 là hơn 1.500 tỷ đồng. Số tiền chi cho các doanh nghiệp khác là 531 tỷ đồng nhưng không có hiệu quả, nợ phải thu khó đòi tuy giảm nhưng nợ gốc vẫn còn là hơn 450 tỷ đồng. Nợ chồng nợ, tiến độ dự án chậm, việc ngân hàng nâng lãi suất lên 8% một năm càng khiến TISCO thêm khó khăn.
Để giải quyết câu chuyện vốn, TISCO đang đề nghị tập đoàn mẹ, Bộ Công Thương, Tài chính và các đơn vị chức năng xem xét tháo gỡ, đặc biệt là hỗ trợ việc giãn tiến độ trả nợ cũng như cơ cấu lại các khoản vay cho phù hợp với tình hình thực tế.
H.Anh