Thêm một nước tuyên bố ngừng nhập dầu và khí đốt của Nga
(Dân trí) - Sau Mỹ và Anh, Tổng thống Lithuania cũng vừa cho biết quốc gia này "đang sẵn sàng ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga".
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy một số nước châu Âu đang có kế hoạch thắt chặt hình phạt với Moscow.
Tổng thống Luthuania Gitanas Nauseda thừa nhận bất kỳ quyết định cắt giảm nguồn cung từ Nga nào cũng "sẽ tạo ra một số vấn đề, nhưng những vấn đề đó sẽ không nghiêm trọng".
Ông Nauseda cho biết, tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào việc chúng tôi cần điều chỉnh (cắt giảm nhập khẩu dầu khí từ Nga) trong bao lâu. "Nhưng có thể nói, chúng tôi đã chuẩn bị tốt hơn cho việc cắt giảm nguồn năng lượng từ Nga so với nhiều nước khác trong EU", ông khẳng định.
Trước đó, Mỹ đã tuyên bố cấm nhập dầu của Nga. Anh cho biết sẽ loại bỏ dần nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay. EU cũng đặt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030. Theo đó, EU, nhập khoảng 40% khí đốt từ Nga, cho biết sẽ giảm 2/3 sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu này trong vòng 1 năm.
Cảnh báo từ Tổng thống Lithuania cho thấy một số nước đang sẵn sàng gia tăng áp lực đối với nền kinh tế Nga.
Lithuania nhập khoảng 63% dầu từ Nga trong năm 2019, theo dữ liệu của World Bank, nhưng Tổng thống Nauseda cho biết con số này hiện đã giảm xuống kể từ khi nhà máy lọc dầu quốc gia ở Mazeikiai không chọn mua dầu thô từ Nga.
Hôm 3/3, chủ sở hữu của nhà máy lọc dầu này cho biết đã đồng ý một thỏa thuận mua thêm dầu của Saudi Aramco, bổ sung thêm 5 tanker hàng hóa ở ngoài Biển Bắc. Điều đó sẽ đảm bảo nguồn cung thay thế cho Lithuania, Ba Lan và Cộng hòa Séc.
4 ngày sau đó, công ty này cũng cho biết, với tình hình ở Ukraine, họ "đã chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào, bao gồm ngừng hoàn toàn nguồn cung từ hướng đông".
Bên cạnh dầu mỏ, trong thập kỷ qua, Lithuania cũng đã chuẩn bị cho việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga, bao gồm mở kho chứa khí hóa lỏng LNG có tên Independence.
Tuy nhiên, độc lập về điện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, ông Nauseda cho biết. "Chúng tôi vẫn đang kết nối với hệ thống Brell của Liên Xô cũ và kết nối này không cho phép chuyển sang hệ thống kết nối hiện tại của châu Âu", ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình chuyển Lithuania ra khỏi hệ thống Brell sẽ hoàn tất vào năm 2025: "Chúng tôi đang đẩy nhanh quá trình này để ngắt kết nối nhanh hơn".