Thêm diễn biến mới, Minh Phú có “thoát hiểm” nghi án gian lận?
(Dân trí) - Trong khi phía Mỹ khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá thì Bộ Công Thương cũng khẳng định làm rõ vụ việc này liên quan đến Minh Phú.
Cổ phiếu MPC của Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú trên thị trường UPCoM ngày hôm qua (7/2) đã có thêm một phiên tăng thứ 4 liên tiếp.
Cụ thể, mã này tăng thêm 1,84% lên mức giá 22.100 đồng và ghi nhận mức tăng 6,76% trong vòng 1 tuần giao dịch vừa qua.
Dường như nỗi lo của nhà đầu tư về ảnh hưởng của ngành thuỷ sản trong bối cảnh virus corona đã phản ánh vào giá cổ phiếu trong những phiên trước.
Bên cạnh đó, liên quan đến thị trường Mỹ, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) mới đây đã thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ. Đồng thời, cơ quan này cũng áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Minh Phú và công ty liên kết tại Mỹ.
Trong một thông báo mới công bố, Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này, đồng thời có văn bản đề nghị Công ty Minh Phú phối hợp làm rõ các thông tin liên quan.
Bộ này khẳng định sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để làm việc, trao đổi với phía Mỹ trên tinh thần nghiêm túc đấu tranh chống lại các hành vi gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ nhưng cũng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Trở lại với thị trường chứng khoán, phiên giao dịch cuối tuần 7/2 tiếp tục trôi qua với diễn biến giằng co trên các sàn giao dịch. VN-Index toàn phiên đi ngang quanh ngưỡng tham chiếu, đóng cửa với mức tăng 2,21 điểm tương ứng 0,24% lên 940,75 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index lại đánh mất 0,92 điểm tương ứng 0,87% còn 104,92 điểm và UPCoM-Index thì tăng 0,15 điểm tương ứng 0,27% lên 55,76 điểm.
Trên quy mô thị trường, số lượng mã tăng giá vẫn chiếm ưu thế. Có 383 mã tăng, 66 mã tăng trần so với 292 mã giảm và 40 mã giảm sàn.
Tình trạng phân hoá tiếp diễn tại các nhóm cổ phiếu bluechip. Nếu như bên tăng có VNM, SAB, VRE, HVN, VJC thì bên giảm lại có BID, CTG, HPG, MBB…
Theo đó, trong khi VNM đóng góp cho VN-Index 1,37 điểm, SAB đóng góp 0,93 điểm, VRE đóng góp 0,71 điểm thì thiệt hại do BID gây ra là 1,75 điểm, do CTG là 0,92 điểm và do HPG là 0,68 điểm.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, tuần tới, VN-Index có thể sẽ lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 930-936 điểm trong những phiên đầu tuần và hồi phục tăng điểm trở lại về cuối tuần.
Dù vậy, đà hồi phục của thị trường vẫn sẽ gặp nhiều thử thách tại các vùng kháng cự phía trên như 945-950 điểm.
Điểm tiêu cực cần lưu ý hiện tại vẫn là diễn biến của dịch viêm phổi nCoV vẫn còn khá phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát, trong khi khối ngoại tiếp tục duy trì hoạt động bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp.
Do đó, BVSC vẫn lưu ý đến khả năng quay đầu giảm điểm của thị trường khi tiếp cận vùng kháng cự vừa đề cập ở trên.
Trên cơ sở đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể xem xét bán giảm tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 945-950 điểm.
Trong trường hợp thị trường điều chỉnh và kiểm định thành công vùng hỗ trợ 930-936 điểm, nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể xem xét mua trading với tỷ trọng thấp, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục.
Mai Chi