1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thế và lực Việt Nam đã khác khi là chủ nhà Diễn đàn kinh tế APEC

(Dân trí) - Năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Sau 11 năm, Việt Nam tiếp tục được làm chủ nhà của diễn đàn kinh tế lớn nhất này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn khẳng định: Thế và lực của Việt Nam đã khác trước rất nhiều.

Sáng nay (2/11), tại cuộc họp thông tin báo chí, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có những trao đổi về Tuần lễ cấp cao APEC và Năm APEC Việt Nam 2017.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao khẳng định, so với năm 2006 - năm đầu tiên Việt Nam đăng cai APEC, năm 2017 có 2 khác biệt thể hiện rất rõ là sự thay đổi về môi trường khu vực và quốc tế, thế và lực của Việt Nam đã khác trước rất nhiều.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại TP. Đà Nẵng từ ngày 6-11/11/2017 tới đây là sự kiện chính trị - kinh tế quan trọng của Việt Nam và thế giới, là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam từ nay đến năm 2020. Việt Nam sẽ đón tiếp khoảng 10.000 đại biểu khu vực và quốc tế tham dự Tuần lễ cấp cao.

Đến thời điểm này, lãnh đạo của 21 thành viên kinh tế APEC đã khẳng định tham dự Tuần lễ cấp cao APEC. Đặc biệt, có 4 nhà lãnh đạo sẽ thăm cấp Nhà nước Việt Nam trong dịp này là Mỹ, Trung Quốc, Chile, Canada. Trong đó, đáng chú ý là chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay trong năm đầu nhiệm kỳ và năm đầu nhiệm kỳ mới.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, trong lần đăng cai thứ 2 - Năm APEC Việt Nam 2017, Việt Nam hướng tới 5 mục tiêu.

Thứ nhất, Việt Nam khẳng định tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao đa phương.

Thứ hai, với vai trò là chủ nhà, Việt Nam tiếp tục duy trì đà phát triển, hợp tác trong APEC, thúc đẩy liên kết cũng như thương mại đầu tư trong APEC, đảm bảo đây là diễn đàn hàng đầu khu vực trong phát triển thịnh vượng của các nền kinh tế. Bởi vậy, ông Bùi Thanh Sơn cho biết, ngay từ đầu năm Việt Nam đã đưa ra chủ đề APEC 2017 là tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung.

Việt Nam đã đề xuất 4 ưu tiên và được các quốc gia ủng hộ mạnh mẽ, các Hội nghị Bộ trưởng cũng như Hội nghị các quan chức cao cấp đều đã có văn kiện thông qua theo đúng định hướng ưu tiên của APEC 2017.

Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11/2017
Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6-11/11/2017

Thứ ba, diễn đàn APEC là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên, lãnh đạo các nền kinh tế gặp gỡ, trao đổi và xây dựng, tăng cường lòng tin cũng như hợp tác giữa các nền kinh tế.

Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ với tất cả các nền kinh tế thành viên APEC, lãnh đạo Việt Nam sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với tất cả các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên. Đặc biệt là với 13/25 đối tác chiến lược của Việt Nam trong APEC, nhất là 4 chuyến thăm chính thức song phương tới Việt Nam.

Thứ tư, công tác chuẩn bị trên tất cả các mặt về lễ tân, an ninh - y tế, cơ sở vật chất, tuyên truyền văn hóa của Năm APEC 2017 được Việt Nam chuẩn bị rất sớm so với lần đăng cai năm 2006. Cho tới nay tất cả các công tác đã hoàn tất, đảm bảo cho Tuần lễ cấp cao APEC thành công.

Thứ năm, Việt Nam quyết định tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, vì đây là trung tâm phát triển mới, năng động của miền Trung, của đất nước Việt Nam.

“Qua Tuần lễ cấp cao lần này, chúng tôi muốn giới thiệu đến với bạn bè quốc tế về miền Trung của Việt Nam đổi mới, năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng và thân thiện với bạn bè quốc tế” - Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Châu Như Quỳnh