Thế mạnh cạnh tranh đôi khi chỉ là tô phở, bát bún hoặc người lái xe có tâm
(Dân trí) - Khách hàng có thể chọn một doanh nghiệp làm đối tác và ký hợp đồng khi họ cảm thấy tin tưởng, yên tâm vì những điều nhỏ nhặt. Chẳng hạn như được một người lái xe có tâm chở đi hoặc ăn những món bình dân như bún, phở…
Trong sự kiện Đại hội Sales & Marketing Việt Nam (VSMCamp) – Hội nghị cấp cao các giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMOSummit), nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng, trải nghiệm khách hàng là yếu tố then chốt dẫn tới việc thành bại của doanh nghiệp.
Việc gặp khách hàng, thuyết phục được họ là cả một vấn đề lớn nhưng gặp được những khách hàng “khổng lồ” và thuyết phục được họ lại còn là vấn đề lớn hơn gấp vạn lần.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho biết, doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận được những lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn, không phải muốn là gặp được ngay.
“Giả sử như các anh chị muốn gặp Tổng giám đốc của Samsung tại Việt Nam để thuyết phục họ mua hàng là điều rất khó. Tuy nhiên, Tổng giám đốc tại các quốc gia hay vùng đều không có nhiều quyền quyết định. Bởi, tại các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới thì mọi quyết định đều rất tập trung ở trụ sở. Trong khi đó, các công ty có doanh thu hàng chục tỷ USD, thậm chí hàng trăm tỷ USD thì họ không có lý do gì phải tiếp một doanh nghiệp nhỏ. Bởi, gặp để làm gì, chẳng việc gì phải gặp cả. Nên vấn đề là chúng ta phải gặp họ như thế nào, làm sao để thuyết phục họ”, ông Hoàng Nam Tiến nói.
Theo ông Tiến, nếu doanh nghiệp có sản phẩm tuyệt vời, dịch vụ rất tốt thì không còn gì phải bàn. Nhưng nếu sản phẩm chỉ ở mức tạm tạm, dịch vụ cũng vừa phải, tức là không có gì dẫn đầu và không có sức cạnh tranh thì khó có thể bán cho ai.
“Ở Việt Nam, những doanh nghiệp như FPT có thể gọi là doanh nghiệp lớn với 15.000 nhân viên, doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm nhưng so với những tập đoàn lớn khác trên thế giới có 450.000 nhân viên, doanh thu hàng trăm tỷ USD thì FPT quá nhỏ bé. Sản phẩm lập trình của chúng tôi cũng ổn nhưng so với các chuyên gia hàng đầu của Israel, Nga hay Ấn Độ thì chúng tôi kém rất xa”, ông Tiến chia sẻ.
Cũng theo ông Tiến, ngày trước, khi gặp đối tác nước ngoài, ông thường khoe người Việt Nam rất giỏi toán, thông minh và chăm chỉ. Người nông dân dậy từ 4h sáng để ra đồng làm việc… Thế nhưng, có lần một vị khách nghĩ rằng, nói như vậy chẳng khác nào chê ông ta trí tuệ kém cỏi và lười biếng. Sau đó, những câu nói như vậy đã không còn lặp lại.
Theo Chủ tịch FPT Software, để tiếp cận được những người đứng đầu của các tập đoàn lớn trên thế giới thì phải tranh thủ mọi cơ hội khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tạo cơ hội. tổ chức cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối cùng nhau.
Có lần, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cho 28 doanh nghiệp lớn của Việt Nam và quốc tế gặp nhau trong một bữa sáng. Tổng doanh thu của các công ty trong cuộc gặp đó lên tới hàng ngàn tỷ USD. Các doanh nghiệp đã kết nối và tìm thấy nhiều mối quan hệ hợp tác tốt đẹp về sau.
Chủ tịch FPT Software cho biết, khi gặp những người trực tiếp điều hành các doanh nghiệp lớn, không cần phải quảng cáo, giới thiệu quá nhiều về công ty của mình, mà cần nói thẳng vấn đề khách hàng đang gặp phải và đưa ra phương án hỗ trợ họ.
Đối với các công ty kinh doanh công nghệ thì các công ty của Việt Nam chưa thể sánh với các công ty của Ấn Độ về quy mô và trí tuệ. Tuy nhiên, thế mạnh cạnh tranh không phải là không có.
“Một khách hàng nói với tôi, ở Ấn Độ thì công việc rất ổn nhưng nếu ăn món Ấn một năm chắc ông ta không chịu nổi. Ngay lập tức tôi cho ông ấy xem những thắng cảnh Việt Nam như: Hạ Long, Hội An, Phú Quốc…Tôi mời ông ấy đến Việt Nam để cảm nhận đất nước, con người và món ăn Việt Nam. Tôi dẫn họ đi ăn phở, bún riêu, bánh cuốn thì họ rất vừa lòng. Và những hợp đồng hợp tác bắt nguồn từ những việc như thế. Tôi vô tình nhận ra, thế mạnh trong cạnh trong kinh doanh công nghệ đôi khi chỉ xuất phát từ đồ ăn Việt Nam”, Chủ tịch FPT Software vui vẻ nói.
Chia sẻ về việc tận tâm, tận lực trong công việc, ông Hoàng Nam Tiến cho biết, người tiếp xúc đầu tiên với khách hàng ở công ty ông chính là người tài xế. Trong tập đoàn có một người tài xế đã làm việc 19 năm và biết nhiều câu chào hỏi, giao tiếp bằng tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Anh…Mỗi khi khách xuống xe, người tài xế đều để tay lên trần xe để khách không bị chạm đầu vào xe. Những hành động như vậy luôn được khách hàng ghi nhớ.
Người tài xế có một quyển sổ ghi chép về sở thích, thói quen của những vị khách. Khách hàng thích uống bia hơi hay trà nhài hoặc thích đi dạo, mua sắm ở đâu đều được ghi lại. Nhiều năm sau, vị khách đó quay lại thì người tài xế vẫn nhắc nhở các tài xế khác trong đội xe về sở thích của khách để khách cảm thấy thoải mái nhất. Sự tận tâm, tận lực đó mang lại những giá trị về sau.
Nhiều diễn giả trong chương trình cũng cho rằng, trải nghiệm khách hàng chính là yếu tố “sống còn” trong việc bán hàng thời hiện đại. Cần hiểu khách hàng muốn gì kể cả những nhu cầu không nói ra và phải tạo được sự tin tưởng ngay từ những lần gặp đầu tiên, bởi đôi khi cơ hội chỉ đến một lần.
Đại hội Sales & Marketing Việt Nam – Hội nghị cấp cao các giám đốc Sales & Marketing Việt Nam có nhiều nội dung hấp dẫn như: Trải nghiệm khách hàng – Cách xây dựng thương hiệu trong thời đại số, Săn “cá voi”, Xây dựng trải nghiệm khách hàng theo kinh nghiệm Nhật Bản, Phòng chống khủng hoảng bằng thiết kế trải nghiệm khách hàng tuyệt vời…Chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày 4 – 5/12 tại Gem Center (đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TPHCM).
Đại Việt