Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc bị Hoa Kỳ bổ sung vào "danh sách đen" sau Huawei

(Dân trí) - Hoa Kỳ đã đưa thêm năm thực thể công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen thương mại chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Vào thứ Sáu vừa qua, Hoa Kỳ đã thêm bốn công ty và một viện nghiên cứu liên quan đến siêu điện toán của Trung Quốc vào danh sách đen, tương tự như tập đoàn viễn thông công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei vào tháng trước, ngăn chặn việc các công ty này mua phần mềm và linh kiện của Hoa Kỳ.

Hành động này đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến tranh thương mại được phát động vào năm ngoái, đang biến thành một cuộc xung đột kinh tế rộng lớn hơn, tập trung vào việc cắt đứt Trung Quốc ra khỏi các công nghệ của Hoa Kỳ, đồng thời buộc các công ty Hoa Kỳ phải chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc bị Hoa Kỳ  bổ sung vào danh sách đen sau Huawei - 1
Trump thêm vào danh sách đen của các công ty công nghệ Trung Quốc ngay trước Hội nghị thượng đỉnh với Tập Cận Bình

Hành động của Bộ Thương mại Hoa Kì chống lại các công ty siêu điện toán sẽ tăng thêm những lo ngại nhắm vào Bắc Kinh. Đồng thời, động thái này cũng xảy đến khi cả hai bên đang cố gắng tránh sự leo thang trong cuộc chiến thương mại, mà nhiều người coi là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trump đầu tuần này tuyên bố ông và Chủ tịch Tập sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 vào 29 tháng 6 tại Nhật Bản trong nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại đã bị phá vỡ vào tháng trước.

Trong một cử chỉ hòa bình, Nhà Trắng hôm thứ Sáu xác nhận đã hoãn một bài phát biểu nhằm chỉ trích hồ sơ Nhân quyền của Trung Quốc, đã được lên kế hoạch từ trước vào thứ Hai sau các cuộc thảo luận với Bắc Kinh.

Trong khi một số người mong muốn thấy Trump đạt được thỏa thuận với Tập rằng sẽ xóa bỏ lực cản đối với nền kinh tế Trung Quốc trước khi vào chu kỳ bầu cử năm 2020, thì những người khác trong chính quyền lại có ý định tiến hành một cuộc đàn áp nhiều mặt đối với Trung Quốc. Trump đã đe dọa sẽ áp thuế lên tới 25% đối với hơn 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.

Trong một tuyên bố vào thứ Sáu, Bộ Thương mại cho biết các “thực thể” mới được liệt kê vào danh sách đen là đều đóng góp một phần trong nỗ lực phát triển siêu máy tính của Trung Quốc. Họ đã nêu lên mối lo ngại về an ninh quốc gia của Hoa Kì với việc các máy tính này đang được phát triển cho mục đích quân sự hoặc hợp tác với quân đội Trung Quốc.

Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, chuyên gia tư vấn cho chính quyền Trump, cho biết, “Ngoài việc Huawei được chú ý, lĩnh vực quan trọng nhất cần lưu ý đối với cạnh tranh kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc là chất bán dẫn. Động thái này của Hoa Kì là một dấu hiệu đáng mừng rằng Hoa Kỳ sẽ không trao đổi những công nghệ tiên tiến này cho Trung Quốc.”

Bộ Thương Mại Hoa Kì cũng đồng thời yêu cầu các công ty Mỹ làm ăn với các công ty Trung Quốc phải có giấy phép từ chính phủ Hoa Kỳ để bán sản phẩm của họ.

Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu rằng công ty Sugon – công ty liên quan chính trong 4 thực thể của Trung Quốc vừa được đưa vào danh sách đen, đã có các hoạt động được xác định là trái với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Sugon luôn cởi mở về công việc của mình với chính phủ Trung Quốc. Công ty hiện đang hợp tác với chính phủ Trung quốc để “xây dựng một mạng lưới dịch vụ dữ liệu đám mây bao gồm hàng trăm thành phố và lĩnh vực để cung cấp vô số ứng dụng và dịch vụ thông minh cho chính phủ, ngành công nghiệp và dân số nói chung”, theo trang web của Sugon.

Sugon là công ty có thị phần lớn nhất trên thị trường siêu máy tính của Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2016.

Tổ chức thứ năm được đưa vào danh sách đen là Viện Công nghệ Điện toán Giang Nam, mà Bộ Thương mại Hoa Kì cho biết thuộc sở hữu của Viện Nghiên cứu 56 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Nhiệm vụ của Viện, theo bộ Thương mại, là tổ chức hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Vũ Huy Hoàng

Theo Bloomberg