Thế khó của kỳ lân Ninja Van: Lỗ tới 187 triệu USD, tăng trưởng chậm lại
(Dân trí) - Tại Việt Nam, tăng trưởng doanh thu trong năm 2022 của Ninja Van đạt mức 83%.
Mới đây, Ninja Van - công ty logistics có trụ sở tại Singapore - đã tiết lộ khoản lỗ hàng năm tăng hơn gấp đôi trong năm kết thúc vào tháng 6/2022. Theo Tech in Asia, nguyên nhân đến từ việc doanh thu tăng trưởng chậm lại, không theo kịp chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao.
Tăng trưởng doanh thu cho năm tài chính 2022 của Ninja Van giảm rõ rệt từ 95% của năm tài chính 2021 xuống còn 21%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lần lượt 44% và 29% so với cùng kỳ. Chính vì vậy, khoản lỗ trước thuế của công ty đã tăng từ 74 triệu USD trong năm tài chính 2021 lên 187 triệu USD trong năm tài chính 2022.
Trong cùng kỳ, tỷ suất lợi nhuận gộp của Ninja Van giảm từ 62% xuống 54%, mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn mức 50% ghi nhận trong năm tài chính 2020.
Trong đại dịch, các công ty logistics như Ninja Van đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ thương mại điện tử. Tuy nhiên, khi mọi thứ trở về trạng thái bình thường, mức độ tăng trưởng của họ bắt đầu giảm dần.
Ông Lai Chang Wen - đồng sáng lập kiêm CEO của Ninja Van Group, chia sẻ với Tech in Asia: "Sau đại dịch, chúng tôi nhận thấy đà tăng trưởng vẫn tiếp tục nhưng với tốc độ chậm hơn. Tuy nhiên, công ty nắm rõ về những phân khúc kinh doanh có tiềm năng tiếp tục tăng trưởng và nơi cần đầu tư thêm nguồn lực".
Mặt khác, các nền tảng thương mại điện tử như Shopee - khách hàng chính của Ninja Van - đang siết chặt chi phí cho các công ty hậu cần bên thứ ba (third-party logistics - 3PL) như Ninja Van. Trên thực tế, Shopee có thể làm như vậy vì họ có bộ phận logistics nội bộ là Shopee Xpress.
Tháng 11 năm ngoái, Shopee tại Philippines và Ninja Van đã chấm dứt quan hệ đối tác. Có thể các yêu cầu về chi phí vận chuyển của Shopee đã trở nên không thể giải quyết được đối với Ninja Van. Ảnh hưởng của việc ngừng hợp tác này không được phản ánh trong báo cáo tài chính năm 2022 của Ninja Van.
Trong năm tài chính 2022, doanh thu của Shopee Philippines đã bắt đầu giảm, từ 181 triệu USD trong năm tài chính 2021 xuống còn 116 triệu USD. Doanh thu từ Singapore không thay đổi và giảm nhẹ ở Thái Lan. Trong khi đó, doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ ở Malaysia, Việt Nam và Indonesia, với mức tăng trưởng hàng năm lần lượt là 92%, 83% và 29%.
Hiện tại, Ninja Van vẫn tiếp tục hợp tác với Shopee tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, doanh thu từ các thị trường trên có thể bị ảnh hưởng nếu gã khổng lồ thương mại điện tử này tiếp tục siết chặt chi phí của các 3PL.
Tất nhiên, Ninja Van cũng phục vụ nhiều khách hàng khác như Lazada và TikTok. Do đó, sự chậm lại trong hoạt động kinh doanh với Shopee có thể được giảm thiểu bằng sự gia tăng ở lĩnh vực khác. Một lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng là bán hàng trực tiếp trên các nền tảng Shopee, Facebook và TikTok.
Để thúc đẩy nỗ lực của mình trên mặt trận này, Ninja Van đã mua lại Kaibo với giá 5 triệu USD vào tháng 9 năm ngoái. Đây là nền tảng cho phép doanh nghiệp xây dựng và nâng cao hoạt động bán hàng trực tiếp trên các nền tảng thương mại điện tử.
Nhu cầu tăng doanh thu có thể là lý do Ninja Van đưa ra sáng kiến mới bao gồm các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng, được gọi là Logistics+, để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á nâng cao hiệu quả và tiềm năng.