Tròn 10 năm trước, Trần Hùng Huy trở thành Chủ tịch HĐQT trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng ở tuổi 34 khi được đặt vào vị trí lãnh đạo cao nhất tại ACB sau biến cố liên quan bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên). Việc ông Huy trở thành chủ tịch ACB đồng thời đánh dấu việc thế hệ thứ hai (thị trường vẫn hay gọi là F2) thuộc các gia đình doanh nhân Việt Nam bắt đầu nắm giữ những vị trí quan trọng nhất tại các doanh nghiệp tư nhân lớn.
Theo thống kê của Dân trí, trong số 46 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán (theo số liệu của HoSE, HNX tại thời điểm kết thúc tháng 9), có 28 doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, tại ít nhất 8 doanh nghiệp, con cái của các nhà sáng lập, lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp đang tham gia HĐQT, ban điều hành.
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy hiện tại là con trai của nhà sáng lập ngân hàng Trần Mộng Hùng. Phó chủ tịch SeABank Lê Thu Thủy là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga. Ở một ngân hàng khác là SHB, con trai Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) là Đỗ Quang Vinh giữ vị trí Phó tổng giám đốc.
Tại Phát Đạt, con trai của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt là Nguyễn Tấn Danh đang làm Phó chủ tịch. Còn tại Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, hai cha con ông Đào Hữu Huyền và Đào Hữu Duy Anh lần lượt giữ chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Đức Giang.
Tại công ty chứng khoán lớn nhất thị trường là Chứng khoán SSI, con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng là Nguyễn Duy Khánh đang là Thành viên HĐQT. Tương tự, con gái của Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung là Trần Phương Ngọc Thảo cũng là Thành viên HĐQT. Tại Cơ điện lạnh REE, con trai Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh là Nguyễn Ngọc Thái Bình đang làm Phó tổng giám đốc.
Một số doanh nghiệp tỷ USD khác cũng đã và đang chứng kiến dấu ấn của thế hệ thứ hai. Con trai của ông chủ Novaland Bùi Thành Nhơn là Bùi Cao Nhật Quân cũng từng giữ chức Phó chủ tịch HĐQT trước khi từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ở TPBank, hai con của ông Đỗ Minh Phú không tham gia điều hành ngân hàng nhưng đều giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn DOJI.
Và còn rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác ghi nhận quá trình bắt đầu chuyển giao cho thế hệ kế cận.
Ở Thaco, con gái của tỷ phú Trần Bá Dương là Trần Viên Ngọc Oanh chính thức được giới thiệu vào tháng 8 vừa qua trong vai trò Phó tổng giám đốc Thiso Retail, công ty phụ trách mảng bán lẻ của Thaco. Tại Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), hai con của vợ chồng doanh nhân Đặng Văn Thành là Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Hồng Anh đều bắt đầu tham gia điều hành các mảng kinh doanh của gia đình từ sớm.
Ở Đồng Tâm, con trai Chủ tịch Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) là Võ Quốc Huy làm Chủ tịch HĐQT Cảng Long An. Con gái nhà sáng lập Tân Hiệp Phát Trần Quý Thanh là Trần Uyên Phương đang giữ chức Phó tổng giám đốc. Tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, con trai Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải là Lê Viết Hiếu đang làm Phó tổng giám đốc thường trực.
Thế hệ thứ hai tại các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam và là con cái của các ông bà chủ doanh nghiệp này hầu hết nằm trong độ tuổi cuối 7X đến đầu 9X. Nếu như cha mẹ họ sáng lập ra các doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong thời kỳ đổi mới sau thời gian làm việc tại khu vực Nhà nước hoặc trở về từ Đông Âu, điểm chung của thế hệ kế cận này là họ được đào tạo bài bản về kinh doanh tại châu Âu, Mỹ. Nhiều người trong số này lấy bằng thạc sĩ hoặc có cả học vị tiến sĩ.
"Một tỷ lệ lớn trong thế hệ doanh nhân đời đầu là tham gia kinh doanh từ nhu cầu sinh tồn, từ khát vọng thoát nghèo, chứ không được đào tạo ra để kinh doanh. Còn với các doanh nhân trẻ hiện nay, rất nhiều người được đào tạo hết sức bài bản, thậm chí từ các trường danh tiếng ở nước ngoài. Đó là sự khác biệt rất lớn.
Ngoài nền tảng giáo dục, họ còn được hỗ trợ công nghệ, đầy đủ thông tin. Vị thế xã hội cũng đã khác xa nhiều so với thời cha anh. Thời cha mẹ họ, mọi người nhìn doanh nhân với con mắt hoài nghi, thậm chí không được coi trọng. Còn giờ đây, vị thế của người doanh nhân đã khác trước", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ với Dân trí về câu chuyện thế hệ thứ hai tại các doanh nghiệp Việt.
So sánh với thế hệ trước, ông Công cho rằng doanh nhân trẻ hiện nay may mắn hơn nhiều. Sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, quy mô lớn, nhiều thương hiệu Việt cũng đã khẳng định danh tiếng, vị trí của mình.
Dù vậy, Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra thách thức đối với thế hệ doanh nhân tiếp theo cũng không hề nhỏ. Khi thị trường đã định hình tương đối rõ, việc phát triển doanh nghiệp cũng đi kèm nhiều thách thức hơn. Tốc độ thay đổi quá nhanh, nhu cầu về vốn đầu tư, khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp đều cao hơn trước. Ngoài ra, khi nền kinh tế mở cửa, hội nhập sâu rộng, sự cạnh tranh trên thị trường cũng khốc liệt hơn trước rất nhiều. Doanh nghiệp Việt không chỉ còn so kè với nhau mà phải cạnh tranh với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài.
"Vì vậy, câu chuyện của thế hệ F2 cũng rất thách thức. Tôi nghĩ dù vẫn có động lực, khát vọng nhưng sức mạnh tinh thần của thế hệ trước lớn hơn rất nhiều. Khi đó, mức sống của người Việt còn rất thấp so với thế giới nên khát vọng làm giàu, đam mê, mong muốn khẳng định mình của những người làm kinh doanh vô cùng lớn.
Trong khi đó, thế hệ F2 được thừa kế cả một di sản lớn. Liệu họ có đủ sức mạnh tinh thần, ý chí để tiếp tục vươn lên hay không. Không ít trường hợp doanh nghiệp gặp vấn đề vì không tìm được nhân sự tương xứng để chuyển giao", ông Công nhận định.
Còn ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam, khi chia sẻ góc nhìn với Dân trí về ý kiến cho rằng F2 bây giờ "khó chịu khổ, sinh ra từ vạch đích nên việc kế thừa là thách thức", nói: "Ngày xưa thì mình cứ từ dưới ruộng lên bờ, bây giờ phải đào tạo F2 từ trên bờ lên trên núi. Rõ ràng, F1 không thể kể lể, áp đặt cái khổ sở của mình cho thế hệ trẻ vì có sự khác biệt, mà sẽ xây cho các bạn ước mơ lớn hơn và trách nhiệm lớn hơn: trách nhiệm hội nhập, trách nhiệm tiếp quản công nghệ...".
Ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ, mỗi người, mỗi thế hệ sẽ có một sứ mệnh. Có thể các bạn trẻ làm lớn hơn thì đương nhiên có áp lực nhiều hơn thế hệ cũ. Và vì thế, câu chuyện chuyển giao là một công cuộc cùng nhau tìm ra tiếng nói chung giữa 2 thế hệ, kể cả thế hệ kế cận là con cái, người nhà hay người ngoài. Câu chuyện đặt ra là làm thế nào để dung hòa được, đi đến một thống nhất chung về mục tiêu lớn của doanh nghiệp.
Về câu chuyện một số F2 có thể cảm thấy áp lực, không muốn kế thừa nếu được lựa chọn, ông Đoàn nói cũng có thực tế này. Nguyên nhân của việc này thì có nhiều, hoặc F2 tự muốn khẳng định mình, hoặc họ thấy không thích con đường bố mẹ đi... Có những F2 thấy áp lực quá, không chịu được áp lực khi làm kinh doanh thì lại muốn làm công việc mang tính chất xã hội, theo ông Đoàn, cũng là sự lựa chọn.
"Tôi nghĩ cũng không nên áp đặt quá. Ví dụ bây giờ các bạn ấy đạt được 6/10, 7/`10 điểm thì cố gắng để các bạn đảm nhận được, còn trong trường hợp họ áp lực quá, không làm được việc thì tôi cho rằng cũng không nên cố, cứ thuận theo tự nhiên thôi", Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam nêu góc nhìn.