Thế giới tiếp tục khan hiếm gạo

Năm 2009 sẽ là năm thứ hai thị trường gạo toàn cầu tiếp tục khan hiếm do các cường quốc gạo hạn chế xuất khẩu và dân số tăng. Trong khi đó, khủng hoảng tài chính đang đẩy thêm nhiều người vào cảnh thiếu đói và vốn đầu tư cho nông nghiệp sẽ bị hạn chế.

Viện Nghiên cứu gạo quốc tế (IRRI), Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) vừa đưa ra dự báo nêu trên và cho rằng, thị trường gạo thế giới sẽ bất ổn nghiêm trọng trong vài tháng tới, mặc dù giá gạo có thể giảm khi gạo vụ 2008 được đưa ra thị trường trong tháng này.

Bất ổn do cung không đủ cầu

Trong bản tin phát hành hàng quý, số ra ngày 20/10, IRRI và FAO cho rằng, trong những tháng tới, thị trường gạo sẽ bất ổn nghiêm trọng do người dân ở các nước đang phát triển tăng lượng gạo tiêu thụ để thay thế cho các loại thực phẩm đắt đỏ như rau, hoa quả và thịt.

Thêm vào đó, các kho dự trữ gạo ở một số nước chủ chốt, trong đó có Mỹ, cũng bị cạn kiệt. Trong khi đó, dân số tăng khiến mức tiêu thụ gạo nhìn chung trên toàn cầu sẽ tăng thêm 18 triệu tấn, dù mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người ở các nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến giảm.

Theo IRRI, nguyên nhân chủ yếu khiến cho lương thực thế giới rơi vào khủng hoảng do cung không đáp ứng đủ cầu - vì sản lượng lương thực suy giảm trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Dự trữ gạo toàn cầu, ở mức thấp kỷ lục 73 triệu tấn trong thời gian 2004-2005, đã tăng lên nhanh chóng và dự kiến sẽ đạt 82 triệu tấn trong niên vụ 2008-2009, tăng so với 78,5 triệu tấn trong niên vụ 2006-2007 nhưng mức tiêu thụ gạo của thế giới cũng đã tăng mạnh.

IRRI dự đoán sản lượng gạo xay của vụ mùa năm nay sẽ đạt mức kỷ lục 432 triệu tấn, tăng 1% so với vụ mùa năm ngoái - nhờ tăng diện tích trồng lúa lên 1 triệu ha. Nhưng dù cho sản lượng tăng, giá gạo vẫn ở mức cao, vì mức tăng này vẫn thấp hơn so với nhu cầu.

Hồi tháng 5/2008, giá lương thực thế giới lên đến 1.000 USD/tấn, mặc dù hiện tại giá lương thực đã giảm xuống xấp xỉ 700 USD/tấn, nhưng mức giá này vẫn cao gấp đôi so với năm ngoái.

Giá gạo tăng nhanh hồi đầu năm nay đã gây ra các vụ bạo động và biểu tình phản đối từ châu Phi đến châu Á và vùng biển Caribe do tâm lý lo ngại về tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu.

Giá lương thực vẫn đang là “gánh nặng”

Chủ tịch IRRI Robert Zeigler cho biết, để đảm bảo cho cán cân cung - cầu ổn định, cần nâng cao sản lượng lương thực; nhưng sẽ phải trải qua một quá trình cố gắng và nỗ lực lâu dài.

Để đạt được bước đột phá, IRRI đang kêu gọi các chính phủ và tổ chức quốc tế thúc đẩy sản xuất gạo, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với nguồn lương thực. IRRI cho rằng nếu không đẩy mạnh hợp tác lương thực toàn cầu, giá lương thực vẫn tiếp tục tăng cao, và vấn đề lương thực năm nay càng thêm nghiêm trọng.

Dự báo của IRRI về tình trạng khan hiếm gạo trên thị trường thế giới cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vẫn rất nghiêm trọng, dù nó đang không được quan tâm bằng khủng hoảng tài chính.

Theo mạng IPS, một cuộc thăm dò mới đây của Đại học Marylyn và hãng Globescan, tại 26 nước cho thấy, nhiều người dân trên thế giới vẫn cảm thấy gánh nặng của giá lương thực ngày càng gia tăng. Đa số dân chúng tại 23 nước cho rằng, chính phủ của họ phải nỗ lực hơn nữa trong việc bảo đảm đủ cái ăn cho người dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang nghiêm trọng như hiện nay, dường như an ninh lương thực chưa phải mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia.

Tổng giám đốc FAO J. Diouf vừa tuyên bố, cuộc khủng hoảng tài chính tất yếu sẽ gây ra một cú sốc trong các nước đang phát triển và dẫn đến hậu quả tiêu cực với nông nghiệp và an ninh lương thực. Các khoản tín dụng của ngân hàng dành cho lĩnh vực nông nghiệp cũng như viện trợ của các chính phủ cho người làm nông nghiệp, chắc chắn sẽ bị hạn chế.

Theo Quốc Trung
VnEconomy