Thế giới ngầm “tín dụng đen” trong đại án “siêu lừa” Huyền Như

(Dân trí) - Không chỉ nổi đình đám về số tiền kỷ lục trong một vụ đại án kinh tế mà ở vụ án “siêu lừa” Huyền Như mọi người còn “choáng” bởi những thông tin khủng khiếp về thế giới ngầm của "tín dụng đen".

Rơi vòng xoáy tín dụng đen, Huỳnh Thị Huyền Như đã liên tiếp phạm sai lầm nghiêm trọng
Rơi vòng xoáy "tín dụng đen", Huỳnh Thị Huyền Như đã liên tiếp phạm sai lầm nghiêm trọng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Dù “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như là “nhân vật chính” của “đại án” tham nhũng nhưng xuyên suốt vụ án, Huyền Như cũng là một nạn nhân trong vòng xoáy của đồng tiền, vòng xoáy của thế giới “tín dụng đen”.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, khi được mời lên thẩm vấn để xác định lại khối tài sản bị kê biên thì nhiều bí mật về số tiền hàng trăm tỷ đồng mới được hé lộ. Số tiền bị cơ quan điều tra kê biên của Huyền Như chẳng thấm vào đâu so với khối tài sản kết xù mà nữ đại gia xinh đẹp Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, quê Quảng Bình, ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM, nghề nghiệp buôn bán), Nguyễn Thiên Lý bị truy tố về tội: “Cho vay nặng lãi”.

Cáo trạng thể hiện, năm 2007, thông qua một người làm môi giới chứng khoán, Lý quen với Huyền Như khi Như còn là nhân viên tín dụng Ngân hàng Viettinbank và đang lấn sang kinh doanh bất động sản và chơi chứng khoán. Lý biết Huyền Như đang cần tiền để đầu tư nên chủ động đề nghị cho vay với lãi suất 0,4%/ngày. Ban đầu chỉ hơn 5 tỷ đồng, dần dần thấy Như trả lãi sòng phẳng, Lý cho nữ cán bộ ngân hàng vay tới hơn một nghìn tỷ đồng với lãi suất có khi lên đến 3,7%/ ngày, cao hơn 100 lần mức lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước cùng thời điểm (0,0287- 0,0369%/ngày). Cơ quan điều tra cho rằng, với kiểu cho vay “cắt cổ” này, Lý đã thu về hơn 735 tỷ đồng tiền lãi.

Trong số các bị cáo liên quan đến siêu lừa Huyền Như không ít người dính líu đến tín dụng đen
Trong số các bị cáo liên quan đến "siêu lừa" Huyền Như không ít người dính líu đến "tín dụng đen"

Nối tiếp vào vòng xoáy của “tín dụng đen” trong vụ an “siêu lừa” Huyền Như là  nữ đại gia Nguyễn Thị Lành. Bản án sơ thẩm xác định, từ tháng 3/2008 đến tháng 9/2011, Lành cho Như vay tổng cộng gần 7.842 tỷ đồng với lãi suất 0,4 đến 2%/ngày. Như đã phải trả hơn 9.000 tỷ đồng.

Không chỉ là cầu nối cho mối quan hệ giữa Huyền Như và nữ đại gia Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương cũng là kẻ có “máu mặt” trong giới cho vay. Bản án sơ thẩm cho thấy trong vòng gần 3 năm, Phương đã cho Như vay 184,2 tỷ đồng, đã thu về 218,5 tỷ đồng nhưng hiện Như vẫn nợ Phương 130 tỷ đồng. Đối với trường hợp của Đào Thị Tuyết Dung, Như đã vay của Dung 265,7 tỷ đồng và đã phải trả 440,4 tỷ đồng.

Với mức lãi suất cho vay cắt cổ, cả 4 nữ đại gia trên đã bị truy tố và xét xử về tội “cho vay nặng lãi”. Ngoài mức án phạt, tòa sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính để tịch thu sung quỹ Nhà nước. Cụ thể: Nguyễn Thiên Lý phải nộp lại hơn 414,7 tỷ đồng, Đào Thị Tuyết Dung nộp lại 174,7 tỷ đồng, Hùng Mỹ Phương phải nộp lại 164 tỷ đồng, Nguyễn Thị Lành phải nộp lại hơn 150 tỷ đồng.

Phiên tòa sơ thẩm kết thúc, hai nữ đại gia không kháng cáo là Nguyễn Thị Lành và Hùng Mỹ Phương. Điều này đồng nghĩa với việc họ chấp nhận nộp lại toàn bộ số tiền như bản án sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, không kháng cáo phần trách nhiệm dân sự.

Nữ đại gia Thiên Lý (đeo kính, mặc áo trắng) sẽ kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/12
Nữ đại gia Thiên Lý (đeo kính, mặc áo trắng) sẽ kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/12

Riêng nữ đại gia xinh đẹp Nguyễn Thiên Lý kháng cáo xin tòa xem xét lại phần trách nhiệm dân sự khi bị buộc phải nộp lại hơn 400 tỷ đồng cũng như hành vi cho vay nặng lãi. Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thiên Lý đề nghị tòa xem xét kỹ hơn, việc cáo trạng cho rằng bị cáo thu lợi bất chính hơn 735 tỷ đồng là không chính xác. Theo nữ đại gia thực tế còn rất nhiều tiền vốn mình bỏ ra cho Huyền Như vay nhưng không được đưa vào cáo trạng.

Đồng thời, Thiên Lý kể rành rọt về về khối tài sản đã bị kê biên của mình. Theo đó, khi vụ án khởi tố điều tra, Thiên Lý bị kê biên gồm 146,7 tỷ đồng tiền mặt, 156.610 EUR, 2.629 USD, 920 Đôla Singapore, 400 Đôla Hồng Kông; một số vàng bạc, đá quý trang sức các loại trị giá 10 tỷ đồng; phong tỏa một sổ tiết kiệm của Thiên Lý do cháu gái đứng tên mở tại Ngân hàng ACB với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.

Về bất động sản, cơ quan điều tra tiến hành kê biên 5 bất động sản hầu hết tập trung ở trung tâm TP.HCM gồm: nhà đất tại số 34 - 36 Thủ Khoa Huân và nhà đất tại số 150 Lý Tự Trọng (đều thuộc phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) trị giá gần 90 tỷ đồng, nhà đất tại 26/4 Trần Quý Cáp trị giá 18,6 tỷ đồng, 1 căn hộ cao cấp tại tòa tháp Ruby khu dân cư Sài Gòn Pearl trị giá 12,3 tỷ đồng... Tổng trị giá tài sản kê biên lên tới hơn 318 tỷ đồng.

Nguồn gốc của khối tài sản khổng lồ trên, nữ đại gia Thiên Lý khẳng định tất cả có được từ công việc kinh doanh.

Ngoài ra, nữ đại gia còn nói trước tòa: “Trong cáo trạng nói bị cáo đi gặp chị Như đề nghị cho chị Như vay tiền là không đúng, gây hình ảnh xấu cho bị cáo, công kích dư luận, khiến bên ngoài hiểu lầm về bị cáo. Bị cáo khẩn thiết đề nghị xem xét, làm rõ bị cáo đã thu lợi bao nhiêu”.

Vậy kháng cáo trên của nữ đại gia Thiên Lý có được xem xét trong phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày 15/12? Các bị cáo sẽ tiếp tục nói gì sau gần một năm chờ đợi, Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra hôm nay (15/12/2014).

Trung Kiên – Công Quang
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”