DBiz

The Coffee House làm ăn ra sao trước khi có tin "bán mình" cho Golden Gate?

Thanh Thương
The Coffee House làm ăn ra sao trước khi có tin "bán mình" cho Golden Gate?

(Dân trí) - The Coffee House từng được đánh giá là đối thủ đáng gờm trên thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam. Song, vài năm gần đây, chuỗi này dần tỏ ra hụt hơi so với các đối thủ khi liên tục thu hẹp quy mô.

Khoảng hơn 3 năm trước, Trần Lam (quận Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên tìm đến The Coffee House mỗi khi muốn học tập hoặc làm việc. Cô trở thành khách quen của cửa hàng trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mỗi sáng.

Song khoảng hơn một năm trở lại đây, tần suất đến cửa hàng cà phê này của Lam thưa thớt dần. "Chất lượng đồ uống càng ngày càng đi xuống, những sản phẩm mới rất tệ trong khi giá ngày càng đắt", Lam nói.

Từ chuỗi cà phê "lớn nhanh như thổi"

Ra mắt lần đầu vào tháng 8/2014 với cửa hàng đầu tiên tại TPHCM, chuỗi cà phê The Coffee House liên tiếp gây ấn tượng với tốc độ phát triển nhanh chóng. Ông Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành thời điểm đó, tự tin đặt mục tiêu mở tới 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, trung bình 10 cửa hàng mới mỗi tháng.

Nikkei Asian Review đã đánh giá The Coffee House là công ty khởi nghiệp về cà phê phát triển nhanh nhất tại Việt Nam vào năm 2018. Chuỗi cà phê này được đánh giá là có tốc độ mở rộng nhanh nhất thời điểm đó. Trong vòng chưa đầy 4 năm, The Coffee House nhanh chóng đạt 100 cửa hàng tại nhiều thành phố lớn.

Điểm khác biệt của chuỗi này là tạo ra không gian trải nghiệm với nhiều tiện ích và chi phí hợp lý, bên cạnh chất lượng phục vụ. Thương hiệu cà phê chú trọng thiết kế cửa hàng, không gian quán nhằm tập trung hướng tới đối tượng là học sinh, sinh viên và người đi làm đến quán cà phê để tìm kiếm một không gian rộng rãi, yên tĩnh, thoải mái để học tập, làm việc và sáng tạo.

The Coffee House làm ăn ra sao trước khi có tin bán mình cho Golden Gate? - 1

Thời điểm mới ra mắt, The Coffee House "ghi điểm" trong mắt khách hàng nhờ thái độ phục vụ, không gian quán (Ảnh: TCH).

Đến năm 2020, chuỗi này mở thêm 25 cửa hàng, nâng độ phủ lên 175 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến năm 2021, thương hiệu này đã mở rộng lên tới 180 cửa hàng và là chuỗi cà phê đứng thứ hai về quy mô điểm bán chỉ sau Highlands Coffee và Trung Nguyên.

Theo một khảo sát của Q&Me - công ty nghiên cứu thị trường vào năm 2022, The Coffee House được đánh giá cao khi có đa dạng các loại thực phẩm, nhân viên phục vụ chu đáo và không gian đẹp.

Đến cú trượt dài trong cuộc đua F&B

Song "ánh hào quang" của The Coffee House mờ nhạt dần kể từ khi nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh rời đi, chuỗi phải liên tục thay đổi vị trí giám đốc điều hành. Ông Ninh rời ghế CEO nhường lại vị trí cho ông Mai Hoàng Phương, nhà đồng sáng lập của Công ty cổ phần Seedcom.

Đến tháng 7/2021, The Coffee House lại chứng kiến sự chuyển giao vị trí giám đốc điều hành, người thay thế vị trí ông Mai Hoàng Phương là ông Lê Bá Nam Anh. Tuy nhiên, chưa đầy một năm ngồi "ghế nóng", ông Lê Bá Nam Anh quyết định rời đi. Từ năm 2022 đến đầu năm nay, người tiếp quản The Coffee House là ông Ngô Nguyên Kha.

Liên tục thay thế người điều hành, song bài toán lợi nhuận của The Coffee House vẫn chưa được cải thiện. Đặc biệt, cú sốc đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào các chuỗi kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) nói chung và The Coffee House nói riêng. Đơn vị này đã phải dừng hoạt động chuỗi trà sữa Ten Ren vì kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.

Theo số liệu của Vietdata - nền tảng cung cấp dữ liệu vĩ mô, doanh nghiệp và nghiên cứu về nhiều lĩnh vực - cho thấy doanh thu của chuỗi đã giảm 11% về khoảng 700 tỷ đồng trong năm 2023. Doanh nghiệp cũng lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng.

Từng là một đối thủ đáng gờm trong thị trường F&B, chỉ sau vài năm, The Coffee House dần chững lại và "loay hoay" với bài toán lợi nhuận và thu hẹp kinh doanh. Seedcom - công ty chủ quản của chuỗi này - cũng chìm trong thua lỗ.

Đặc biệt trong năm vừa qua, chuỗi liên tục thông báo đóng cửa hàng loạt chi nhánh tại nhiều thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Hà Tĩnh... Đến nay, The Coffee House chỉ còn 93 cửa hàng trên toàn quốc, giảm mạnh so với quy mô khoảng 180 cửa hàng vào năm 2021.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về lý do dừng hoạt động các cửa hàng thời điểm đó, đại diện The Coffee House cho biết việc đóng cửa các cửa hàng nằm trong định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. "Trong bối cảnh hiện tại, việc tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên. Quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, giúp đảm bảo kinh doanh toàn hệ thống, tối ưu chi phí và tối đa lợi nhuận", vị này nói.

So với các đối thủ như Highlands, Trung Nguyên, Phúc Long, The Coffee House đã có bước trượt dài sau thời kỳ đỉnh cao. Đặc biệt, sự xuất hiện của các thương hiệu mới như Katinat, Phê La... với những màu sắc mới lạ đã khiến chuỗi cà phê này dần trở nên mờ nhạt trong cuộc đua F&B khốc liệt.

Dù không thể phủ nhận rằng The Coffee House đã có nhiều hướng đi mới như bán thêm các loại đồ ăn trưa, ra mắt sản phẩm mới, phát triển ứng dụng đặt hàng riêng... tuy nhiên, các chiến dịch này có vẻ chưa thực sự hiệu quả, thậm chí gây ra nhiều tranh cãi về một số sản phẩm mới.

The Coffee House cũng từng phải đối diện không ít cuộc "khủng hoảng truyền thông". Chẳng hạn, việc quyết định phục vụ toàn bộ thức uống tại chỗ lẫn mang về bằng cốc nhựa, thay vì cốc thủy tinh nhận về nhiều phản ứng. Hay gần đây nhiều khách hàng đã kêu gọi tẩy chay thương hiệu sau sự cố kính rơi vỡ khiến nữ bác sĩ bị thương tại một cửa hàng thuộc chuỗi.

Tương lai của The Coffee House

Ngày 19/2, tờ Deal Street Asia cho biết Golden Gate - một "ông lớn" ngành F&B Việt Nam với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Kichi - Kichi, Gogi House, iSushi, Vuvuzela... đã mua lại chuỗi cà phê The Coffee House từ Công ty cổ phần Seedcom. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về thương vụ này.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2024, HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Golden Gate đã thông qua nghị quyết phê duyệt phương án mua 99,98% vốn điều lệ của một công ty trong ngành thực phẩm và đồ uống.

Đáng chú ý, theo công bố mới nhất của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Trà cà phê VN - đơn vị vận hành The Coffee House cho thấy ông Trần Việt Trung - Chủ tịch HĐQT Golden Gate - đã thay thế ông Ngô Nguyên Kha làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp này từ tháng 1. Như vậy, nhiều khả năng The Coffee House đã về tay "ông trùm" lẩu nướng Golden Gate.

Đầu năm nay, The Coffee House cũng nâng vốn điều lệ từ gần 150 tỷ đồng lên hơn 400 tỷ đồng. Cổ đông nước ngoài là Ficus Asia Investment nắm gần 19% vốn The Coffee House. Các cổ đông còn lại không được tiết lộ.

The Coffee House làm ăn ra sao trước khi có tin bán mình cho Golden Gate? - 2

Ông Trần Việt Trung - Chủ tịch HĐQT Golden Gate đã thay thế ông Ngô Nguyên Kha làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty vận hành The Coffee House từ tháng 1 (Ảnh: TCH).

Về Golden Gate, đây là một "ông lớn" trong ngành F&B sở hữu hàng chục thương hiệu đình đám trong ngành ẩm thực như Manwah, Kichi-Kichi, Gogi House, iSushi, Vuvuzela… với khoảng 500 cửa hàng. 

Trong bối cảnh công ty mẹ Seedcom gặp nhiều khó khăn về tài chính, thông tin The Coffee House về tay Golden Gate được nhiều người đánh giá là có thể giúp chuỗi cà phê này từng bước lấy lại vị thế trên thị trường.

Bởi trước hết, Golden Gate sở hữu tiềm lực lớn. Tại thời điểm 31/12/2023, Golden Gate có tổng cộng 17.807 nhân viên, với tổng tài sản đạt 2.873 tỷ đồng. Trong năm, công ty cũng đã đón nhận thêm một công ty con mới là Công ty Cổ phần Sumibi Việt Nam.

Công ty này cũng bổ sung thêm nhiều thương hiệu vào danh mục thương hiệu của công ty như Chixmax - thương hiệu gà rán, Union District - thương hiệu đồ Âu, Mak Mak - thương hiệu đồ Thái, Universal Tea, Man Tang Guo, Cloud Pot, Mama Bakery, Sakura, Chibo...

Bên cạnh đó, "ông lớn" này sở hữu nhiều lợi thế trong ngành khi có thể tận dụng mạng lưới 500 cửa hàng trải dài hàng chục tỉnh thành và kinh nghiệm trong vận hành mô hình cửa hàng theo chuỗi. 

Trong lĩnh vực đồ uống, năm 2016, doanh nghiệp này đã mua chuỗi cà phê The Coffee Inn, nhưng kết quả không như mong đợi. Ngay sau đó, "ông lớn" này tiếp tục đi tìm cơ hội ở thị trường nước giải khát - đồ uống với sự ra đời của thương hiệu trà sữa Yu Tang vào tháng 8/2017, nhưng với việc mới chỉ có 11 cửa hàng tại Hà Nội trong gần 8 năm, rõ ràng đây là một dự án không thành công.

Đến năm 2023, Golden Gate tiếp tục cho ra mắt thương hiệu Universal Tea. Hiện tại, chuỗi có 5 cửa hàng tại Hà Nội. Có thể thấy, sau nhiều năm, Golden Gate vẫn "loay hoay" với lĩnh vực đồ uống. Thông tin The Coffee House về tay Golden Gate được nhiều người đánh giá là bước đi chiến lược nhằm tiếp tục mở rộng hệ sinh thái của "ông trùm" lẩu nướng. 

Trong bối cảnh các tên tuổi lớn như Higlands Coffee, Trung Nguyên, Starbucks sở hữu tiềm lực mạnh cả về tài chính lẫn danh tiếng thương hiệu, hay các tân binh như Phê La, Katinat lại gây ấn tượng với những chiến lược truyền thông độc đáo, thì lúc này, bài toán với The Coffee House có lẽ là ổn định nguồn lực, định vị lại thương hiệu, nâng cao hiệu quả vận hành...