Đồng Tháp:

Thầy giáo cất công đưa lúa tím có mùi thơm hoa hồng vào chậu... trưng Tết

(Dân trí) - Hơn 4 năm thầy giáo Tiếp cất công thuần giống lúa tím có nguồn gốc từ Nhật thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Nhưng ông không trồng đại trà để bán lúa, bán gạo mà chỉ trồng lúa trong chậu, bán cho người dân trưng tết.

Thầy giáo cất công thuần hóa giống lúa tím đưa vào chậu trưng tết là ông giáo Trần Văn Tiếp (xã Tân Khách Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ông giáo đón tiếp chúng tôi tại bàn trà có bộ bàn ghế màu tím, ông mặc chiếc áo thun màu tím và căn nhà ông ở sơn toàn màu tím…

Dẫn chúng tôi ra thăm những chậu lúa tím, ông giáo Tiếp cho biết, 4 năm qua ông tốn không biết bao công sức cho ý tưởng đưa lúa tím vào chậu… trưng Tết. Bởi giống lúa này ban đầu có chiều cao hơn 1,2m, trồng xuống đất dù chăm sóc như thế cũng chết. Dần dà, ông giáo Tiếp tính toán lại phân thuốc (chủ yếu là hữu cơ, sinh học), lượng nước, loại đất… lúa bắt đầu sinh trưởng, phát triển tốt.

Thầy giáo cất công đưa lúa tím có mùi thơm hoa hồng vào chậu... trưng Tết - Ảnh 1.

Thầy giáo Trần Văn Tiếp bên giống lúa tím mà ông mất nhiều năm thuần dưỡng, cho vào chậu trưng tết

 

Tiếp theo, ông giáo Tiếp “ép” cho thân lúa ngắn lại, vì cho vào chậu, lúa cao quá sẽ đổ ngã. Sau thời gian nghiên cứu, đến thời điểm hiện tại ông giáo tiếp “điều khiển” được chiều cao của cây lúa theo ý muốn của mình. Khi cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao như ý, ông giáo Tiếp quyết định trồng 1.500 chậu để bán trong dịp tết Kỷ Hợi này.

Với mong muốn cho nhiều người có cơ hội sở hữu 1 chậu lúa tím trưng Tết, ông giáo Tiếp cho ra 3 mẫu (loại nhỏ để bàn, loại trưng trong phòng khách và mẫu lớn cho các cơ quan, doanh nghiệp trưng ngoài trời), với giá chỉ từ 250.000 – 300.000 đồng/chậu.

Thầy giáo cất công đưa lúa tím có mùi thơm hoa hồng vào chậu... trưng Tết - Ảnh 2.

Theo ông Tiếp, giống lúa tím này có mùi thơm hoa hồng rất độc đáo

 

Lí do ông giáo Tiếp bỏ nhiều công sức theo đuổi ý tưởng cho giống lúa tím vào chậu trưng tết là vì ông thích giống lúa có màu tím (thân tím, bông lúa khi chin có màu tím và gạo màu tím). Đặc biệt, gạo ăn rất dẻo và có mùi thơm hoa hồng.

Hiện tại, ngoài việc ông trồng 1.500 chậu lúa tím trong chậu, ông giáo Tiếp đã gieo sạ 5 công lúa tím (5.000m2) để lấy gạo đãi khách trong dịp Tết này.

Thầy giáo cất công đưa lúa tím có mùi thơm hoa hồng vào chậu... trưng Tết - Ảnh 3.

Ngoài ra, thầy giáo tiếp còn lai tạo thành công giống dưa tím tí hon, giống dưa có nguồn gốc từ Nam Mỹ

 

Ông nói: “Tết năm nay, tại nhà của tôi sẽ nấu sẵn một nồi cơm gạo tím; khô cá sặc rằn để sẵn. Khi khách đến, khách chỉ cần nướng khô rồi ăn với cơm, nói chuyện hoa kiểng, vui vẻ trong những ngày Tết”.

Dịp tết Kỷ Hợi năm nay, ông giáo Tiếp còn bán ra thị trường khoảng 300 chậu dưa hấu tím tí hon. Đây là giống dưa có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó ông lai tạo để quả dưa có màu tím độc đáo. Dự kiến, 1kg dưa có giá từ 250.000 – 300.000 đồng/kg.

Thầy giáo trồng lúa tím trong chậu trưng tết

Được biết, nhiều giống hoa, kiểng (đặc biệt màu tím) mới lạ có mặt tại thành phố hoa Sa Đéc, phần lớn do ông cất công mang về từ những nơi xa xôi, như: Mỹ, Hà Lan, Úc… Hiện ông giáo Tiếp là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tôi yêu màu tím” ở TP Sa Đéc.

Nguyễn Hành

Thầy giáo cất công đưa lúa tím có mùi thơm hoa hồng vào chậu... trưng Tết - Ảnh 5.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm