1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thâu tóm Habubank, SHB bị Moody's hạ triển vọng tín nhiệm

(Dân trí) - Moody's cũng lưu ý rằng, việc đánh giá thực tế tình hình tài chính của ngân hàng sau sáp nhập đòi hỏi phải có thời gian theo dõi dài hơn, khoảng từ 12-18 tháng.

Hôm nay (9/7) Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s chính thức phát đi thông báo về việc hạ triển vọng tín nhiệm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) xuống mức "tiêu cực". 

Mặc dù vậy, đánh giá tín nhiệm ở hạng mục tiền gửi và nhà phát hành của ngân hàng vẫn được duy trì ở mức B2, sức mạnh tài chính độc lập được giữ ở mức E+, tương ứng mức đánh giá B2 trong dài hạn. 

Như vậy, Moody's đã hoàn tất việc rà soát lại đánh giá tín nhiệm của SHB theo thông báo đã công bố vào ngày 11/5 vừa rồi. Các đánh giá tín nhiệm nợ ngắn hạn có mức độ ưu tiên thấp của SHB không nằm trong đối tượng của đợ rà soát lần này và tiếp tục được duy trì đánh giá ở mức cũ.

Thâu tóm Habubank, SHB bị Moody's hạ triển vọng tín nhiệm

Lý giải về động thái lần này, Moody's cho biết, sau vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank - không được đánh giá), Moody's đã phải xem xét lại việc xếp hạng đối với SHB do một số quan ngại.

Đầu tiên phải kể đến kế hoạch của ngân hàng sau sáp nhập về giải quyết và dự phòng nợ xấu, nhất là nợ xấu của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vốn đang gặp khó khăn và trong quá trình tái cơ cấu. Hai là kinh phí tiền mặt không đáng kể chi cho thương vụ sáp nhập này, thông qua thỏa thuận hoán đổi cổ phiếu. Cuối cùng là sự cải thiện về nguồn vốn cho tới thời điểm hiện tại của ngân hàng sau sáp nhập.

Thông báo của cơ quan xếp hạng cũng cho biết, việc cắt giảm triển vọng tín nhiệm đối với SHB (tức ngân hàng có thể bị hạ điểm tín nhiệm trong thời gian tới), cho thấy Moody’s cảm thấy lo ngại về sự chắc chắn của phương án sáp nhập này. Đặc biệt là liên quan đến chất lượng tài sản của ngân hàng sáp nhập và hiệu quả lợi nhuận để đáp ứng những yêu cầu trong trích lập dự phòng nợ xấu cho những khoản cho vay tương đối yếu kém của Habubank.

Mặc dù các mức điểm tín nhiệm hiện tại của SHB phần nào phản ánh triển vọng bất lợi trong các con số tài chính và môi trường kinh doanh của ngân hàng, song Moody's cũng lưu ý rằng, việc đánh giá thực tế tình hình tài chính của ngân hàng sau sáp nhập đòi hỏi phải có thời gian theo dõi dài hơn, khoảng từ 12-18 tháng.

Moody’s cho biết, triển vọng tín nhiệm tiêu cực đối với SHB chủ yếu xuất phát từ áp lực về hồ sơ tín dụng yếu kém của Habubank cũng như do quy mô lớn của vụ sáp nhập so với quy mô của SHB. Còn về riêng tình hình tài chính của SHB trước khi sáp nhập, Moody's thừa nhận là ở trạng thái tương đối lành mạnh.

Dẫn báo cáo của SHB, Moody's cho biết, tỷ lệ nợ xấu của SHB tính đến cuối năm 2011 là 2,2%, trong khi của Habubank là 4,4%. Ngoài ra, nếu tính cả những khoản vay của Vinashin, thì tỷ lệ nợ xấu của Habubank có thể lên tới 16,7%. 

Tuy nhiên, rủi ro từ các khoản nợ của Vinashin đối với ngân hàng sáp nhập sẽ được hạn chế phần nào nếu dự phòng được thiết lập đầy đủ trong khoảng thời gian 5 năm. Ngoài ra, tất cả các khoản vay của Vinashin đều có tài sản thế chấp, một phần có thể khôi phục trong 6-12 tháng tới.

Tuy nhiên, Moody's cũng bày tỏ hoài nghi rằng, còn chưa rõ liệu ngân hàng sau sáp nhập có thể tạo ra đủ lợi nhuận ròng trong năm nay để đủ dự phòng khoảng 1.800 tỷ đồng cho kịch bản xấu nhất hay không - bao gồm cả dự phòng cho nợ của Vinashin (phân bổ trong vòng 5 năm) và các khoản vay chịu sức ép khác. 

Hiện tại, các thông số về lợi nhuận của Habubank cũng yếu hơn SHB, với tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tài sản có cấp độ rủi ro trung bình là dưới 1% trong khi tỉ lệ này của SHB là 2,3% hồi cuối 2011.

Về vốn, Moody’s cho rằng, thương vụ sáp nhập giữa SHB và Habubank sẽ được thực hiện thông qua một thỏa thuận hoán đổi cổ phiếu. The đó, tỉ lệ hoán đổi với cổ đông Habubank với cổ đông SHB là 0,75:1.SHB sẽ phát hành 405 triệu cổ phiếu mới cho vụ sáp nhập này tại mệnh giá 10.000 đồng/đơn vị, ứng với số vốn cấp 1 là 4.050 tỷ đồng trong năm 2012. Tỷ lệ vốn cấp 1 của ngân hàng sau sáp nhập ước tính vào khoảng 13,3%, hầu như không thay đổi so với mức 13,2% của SHB vào thời điểm cuối năm 2011.

Ngoài ra, tỉ lệ thanh khoản của Habubank cũng thấp hơn nhiều so với của SHB, với tỷ lệ tổng dư nợ so với tổng tiền gửi của Habubank là 120% tính tại thời điểm cuối năm 2011, so với mức 84% của SHB.

Tuy nhiên, Moody’s cũng lưu ý rằng, dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh quý I chưa được kiểm toán, thì những tỷ lệ trên có thể đã giảm về mức 90% đối với Habubank và 75% đối với SHB, một phần do ảnh hưởng của tình hình tăng trưởng tín dụng chậm lại trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh sức ép tín dụng của ngân hàng sau sáp nhập, Moody’s cho rằng, ban lãnh đạo của SHB sẽ phải đối mặt với thách thức về quy mô của thương vụ sáp nhập này cũng như sự hòa hợp. Tổng tài sản của Habubank tương đương không dưới 58% tổng tài sản của SHB.

Bích Diệp