Thất thoát hàng ngàn tỷ đồng vì... xe dù

(Dân trí) - Dù đã có những chỉ đạo quyết liệt nhưng thực tế thời gian qua nhiều hãng xe khách trá hình vẫn ngang nhiên vi phạm khiến người dân nghi ngờ có sự “bảo kê”. Các xe này trốn tránh các loại thuế, phí, gây thất thu rất lớn tiền thuế của Nhà nước.

"Xe dù, bến lậu"... lờn thuốc

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 1643/VPCP-ĐMDN chuyển kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để xem xét, xử lý và trả lời theo thẩm quyền, đồng thời, có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Trước đó, đại diện các công ty vận tải hành khách đường bộ đã có đơn thư gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị về việc sửa Nghị định 86/2014/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Điều khiến các công ty vận tải hành khách đường bộ bức xúc nêu trong đơn kiến nghị chính là tình trạng “xe dù, bến lậu” đã tồn tại từ lâu mà chưa được giải quyết. Sự bùng phát của xe ô tô đăng ký chạy hợp đồng và xe chở khách du lịch nhưng hoạt động trá hình như xe khách tuyến cố định, gây mất trật tự an ninh và an toàn giao thông, đồng thời trốn tránh các loại thuế, phí, gây thất thu rất lớn tiền thuế của Nhà nước.

TPHCM vẫn quay cuồng trong vấn nạn xe dù, bến cóc (Ảnh: Đình Thảo)
TPHCM vẫn "quay cuồng" trong vấn nạn xe dù, bến cóc (Ảnh: Đình Thảo)

Sở GTVT TPHCM từng hứa với UBND TP đến ngày 31/12/2016 giải quyết dứt điểm và không để tái diễn nạn xe dù. Nhưng theo một số doanh nghiệp vận tải, vẫn còn nhiều xe rước khách trá hình hoạt động tại trung tâm TPHCM. Thậm chí có nơi còn hình thành “tập đoàn xe dù” và tổ chức bến lậu với quy mô lớn, như “bến lậu” của nhà xe Thành Bưởi (số 1 Vĩnh Viễn, quận 10) có rất nhiều sai phạm về xây dựng trái phép, cho thuê đất trái phép, đón trả khách trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông. Thanh tra đã kết luận rõ sai phạm, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu xử lý, UBND quận 10 cũng đã kiến nghị xử lý nhưng đến nay bến lậu này vẫn hoạt động bình thường.

Mặc dù đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý nhưng đến nay ở nội ô TPHCM vẫn còn 85 điểm có hoạt động đón trả khách. Tình trạng "lách luật, lờn thuốc" khiến hoạt động "xe dù, bến lậu" vẫn chưa giải quyết triệt để.

Một doanh nghiệp bức xúc cho rằng, xử lý "xe dù, bến lậu" như "bắt cóc bỏ dĩa". Cụ thể, trong thời gian qua, mỗi khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm nạn “xe dù, bến cóc”, thì lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông các địa phương chỉ tăng cường kiểm tra một thời gian ngắn. Chỉ xử phạt một vài xe vi phạm chứ không thanh tra toàn diện các doanh nghiệp có nhiều vi phạm để tước giấy phép hoạt động của các hãng xe "chạy dù", trốn thuế. Vì thế nên các hãng xe khách trá hình vẫn “bình chân như vại” và ngang nhiên vi phạm.

Ngày 23/1 vừa qua, tại phiên họp với lãnh đạo TPHCM về chống ùn tắc giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc”. Thế nhưng đến nay, xe khách trá hình và “xe dù, bến cóc” vẫn hoạt động vô cùng nhức nhối, cạnh tranh không lành mạnh.

Ngân sách... thất thu

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT khẳng định, tình trạng “xe dù, bến cóc” diễn biến phức tạp, tạo môi trường kinh doanh vận tải không lành mạnh; không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho hành khách khi có sự cố hay tai nạn xảy ra. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây mất trật tự vận tải, không bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời làm thất thu ngân sách Nhà nước do trốn thuế...

Hiện cả nước có hơn 7.000 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch. Tổng số lượng phương tiện khoảng 35.000 xe. TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ cần một phần nhỏ số xe này hoạt động như xe khách trá hình thì ngân sách Nhà nước đã bị thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đó là chưa kể tình trạng đa số các “xe dù” thường trốn đóng phí bảo hiểm cho hành khách; trốn nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho nhân viên, tài xế, đồng thời khiến bến xe của các địa phương bị thất thu rất lớn...

Ngân sách Nhà nước thất thu khoản tiền không nhỏ vì những bến xe lậu này
Ngân sách Nhà nước thất thu khoản tiền không nhỏ vì những bến xe lậu này

Trước vấn nạn trên, nhiều nhà xe cùng các hiệp hội vận tải phải gửi đơn “kêu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các địa phương kiến nghị xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ trong việc xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo góp ý của nhiều chuyên gia về vận tải, thay vì sửa đổi Nghị định 86, Chính phủ nên ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 86 và các Thông tư liên quan đến quản lý vận tải hành khách bằng xe ô tô. Gắn trách nhiệm cụ thể của cá nhân lãnh đạo Bộ GTVT và cơ quan soạn thảo Nghị định. Nếu sau khi ban hành Nghị định mới mà vẫn còn “kẽ hở”, không xử lý triệt để được “xe dù, bến cóc” thì phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ. Có như vậy, “xe dù, bến cóc” sẽ không còn đất sống.

"Để khắc phục dứt điểm tình trạng “xe dù, bến lậu”, rất mong Thủ tướng sớm tổ chức một buổi đối thoại với các doanh nghiệp vận tải hành khách để nắm chắc tình hình, hiểu rõ nguyên nhân và biện pháp giải quyết", đại diện các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ kiến nghị.

Công Quang