"Tháo nút thắt" cho liên doanh 6.000 tỷ đồng với Trung Quốc

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉ đạo các bên liên doanh đàm phán và sửa đổi lại hợp đồng liên doanh, vốn chứa đựng những vướng mắc, gây bất lợi cho công tác điều hành tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung - 1 trong 12 dự án thua lỗ "nghìn tỷ" của ngành công thương.

Lỗ lũy kế đến hết năm tài chính 2016 của VTM đã lên tới 1.077 tỷ đồng (Ảnh: Báo Công Thương)
Lỗ lũy kế đến hết năm tài chính 2016 của VTM đã lên tới 1.077 tỷ đồng (Ảnh: Báo Công Thương)

Văn phòng Chính phủ mới đây vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tháo gỡ khó khăn cho Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) - liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc).

Liên doanh này được thành lập vào năm 2006 với mục đích đầu tư Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Sa, quản lý vận hành sản xuất sau khi công trình hoàn thành. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là gần 337,52 triệu USD (tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng), trong đó, nhà máy gang thép chiếm gần 307 triệu USD, mỏ sắt Quý Xa và hạng mục thành phần là 30 triệu USD.

Nhà máy Gang thép Lào Cai giai đoạn 1 có công suất 500.000 tấn phôi thép/năm. Sau gần một thập kỷ khai thác quặng sắt, tháng 6/2014, nhà máy này đã chạy thử. Tuy nhiên, theo báo cáo của VTM, ngay sau khi nhà máy này đi vào hoạt động, tháng 12/2014, VTM đã lỗ 91 tỷ đồng.

Năm 2015 và năm 2016, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của thị trường thép Trung Quốc nên VTM phải bán phôi thép theo giá thị trường ở mức thấp hơn giá thành, quặng sắt Quý Xa không tiêu thụ được theo kế hoạch, dẫn đến lỗ lũy kế đến hết năm tài chính 2016 lên tới 1.077 tỷ đồng. Đây là một trong 12 đại dự án "nghìn tỷ" thua lỗ của ngành công thương.

Văn bản thông báo của Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ khối lượng quặng xuất khẩu, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh gian lận thương mại.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng được giao phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉ đạo các bên liên doanh đàm phán và sửa đổi lại hợp đồng liên doanh phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành. Trong đó, có tính đến việc bổ sung các cổ đông có năng lực, đồng thời chỉ đạo các cổ đông của VTM góp vốn để đầu tư hoàn chỉnh dự án trong Quý II/2017.

Được biết, sau 10 năm hợp tác, hợp đồng liên doanh với Trung Quốc để khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai xuất hiện nhiều vướng mắc.

Cụ thể, điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện Kim Việt Trung có nêu: Các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông, có nghĩa Hội đồng quản trị công ty muốn làm gì thì phải được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị chấp thuận.

Điều này dẫn đến việc, mặc dù đóng góp nhiều vốn hơn (55%) và số thành viên Hội đồng quản trị cũng nhiều hơn, song phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không. Cơ chế đồng thuận khiến công tác điều hành gặp nhiều khó khăn do việc lấy ý kiến các cổ đông mất nhiều thời gian.

Chính vì vậy, “cơ chế đồng thuận” quy định trong hợp đồng liên doanh thay vì “tỷ lệ cổ đông” được cho là “nút thắt” cần phải được tháo bỏ tại dự án mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai, nhất là trong bối cảnh dự án này đang lâm vào khó khăn, thua lỗ.

Bích Diệp