Tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam: Bình Định “gắng hết sức”!

(Dân trí) - Ngày 17/10, Ðoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam và chuẩn bị kế hoạch làm việc với Ðoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu - dự kiến đến Bình Ðịnh ngày 31/10.

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng”

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, dự kiến ngày 31/10 tới đây, đoàn Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu và tháng 1/2019, đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang kiểm tra việc khắc phục IUU của Việt Nam, trong đó sẽ kiểm tra tại tỉnh Bình Định.

 Ðoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam và chuẩn bị kế hoạch làm việc với Ðoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu - dự kiến đến Bình Ðịnh ngày 31/10.
Ðoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định về việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam và chuẩn bị kế hoạch làm việc với Ðoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu - dự kiến đến Bình Ðịnh ngày 31/10.

Trước đó, tỉnh Bình Định là một trong các địa phương đã gặp phải sai sót rất nghiêm trọng và chịu trách nhiệm trực tiếp khi khiến cho EU phải gia hạn “thẻ vàng” thêm 6 tháng đối với thủy sản Việt Nam. Cụ thể, ngày 18/5/2018, khi đoàn thanh tra của EC đến cảng cá Quy Nhơn để kiểm tra đã ghi nhận thực tế Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn chưa kiểm soát được tàu cá cập cảng, lên cá.

Theo ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết mặc dù thời gian qua tỉnh đã thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục khuyến cáo của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát tàu cá khai thác thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Phúc cho rằng, hiện nay tình hình tàu cá vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, trong khi chính quyền các địa phương chưa thực sự quyết liệt việc nghiêm cấm và xử lý tàu giã cào không có giấy phép, ảnh hưởng đến việc thực hiện các khuyến cáo của EC.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) lưu ý một số vấn đề tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) lưu ý một số vấn đề tại cuộc họp.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện khuyến cáo của EC tại Bình Định đều là những vấn đề mà Đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu quan tâm và sẽ dựa vào những điểm này để bắt lỗi.

“Qua kiểm ra hồ sơ việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, có một thực tế là tàu vào cảng phải thông báo trước 1 tiếng đồng hồ nhưng gần như các tàu không báo cáo, ghi chép sổ nhật ký, hồ sơ nguồn gốc còn nhiều lỗi… Vì vậy, cần rà soát, phối hợp chặt chẽ hơn, bởi chỉ cần một hay hai tàu vi phạm thì EU sẽ bắt lỗi ngay”, ông Hùng lưu ý.

Cần vào cuộc quyết liệt

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng chắc chắn khi Đoàn Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu kiểm tra tại Bình Định họ sẽ tập trung vào việc quản lý tàu cá ra vào cảng; công tác kiểm soát lượng thủy sản và quy trình xác nhận sản phẩm thủy sản; tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ vận hành của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng. Ngoài ra, Đoàn cũng quan tâm đến việc xử lý các tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài.

Hiện nay, các tàu cá vẫn mắc lỗi chưa báo trước 1 giờ khi cập cảng theo quy định của EU.
Hiện nay, các tàu cá vẫn mắc lỗi chưa báo trước 1 giờ khi cập cảng theo quy định của EU.

“Trong thời gian Đoàn kiểm tra, đối với việc quản lý tàu cá, tỉnh cần đảm bảo 100% tàu cá ra vào tỉnh đều có đăng ký, đăng kiểm, có giấy phép khai thác thủy sản, ghi nhật ký hành trình, số lượng tàu cá cập cảng và sản lượng sản phẩm thủy sản thực tế phải trùng khớp số liệu báo cáo”, bà Nhung đề nghị.

Riêng đối với các trường hợp tàu vi phạm lãnh hải nước ngoài, bà Nhung lưu ý thêm: “Trong hồ sơ xử lý các tàu vi phạm phải thể hiện rõ các vấn đề tỉnh đã tuyên truyền, cảnh báo, xử lý theo quy định để họ thấy sự nỗ lực của tỉnh Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc thực hiện quy định IUU”.

Về phía địa phương, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng đối với các tàu vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu giảm, do nhiều nguyên nhân nên cần sự vào cuộc của Trung ương, về phần tỉnh đã cố gắng hết sức.

“Ngay sau buổi làm việc này, trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản, Sở NN-PTNT xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc cụ thể với Đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu trình UBND tỉnh. Đối với các tàu vào bến không báo trước 1 giờ, không đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm dứt khoát không cho vào cảng. Trách nhiệm này thuộc về Bộ đội biên phòng tỉnh”, ông Châu yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chỉ đạo quyết liệt trong nỗ lực cùng tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chỉ đạo quyết liệt trong nỗ lực cùng tháo gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.

“Đối với Ban quản lý các cảng cá Bình Định thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không để xảy ra sai sót. Nếu để xảy ra sai sót lần nữa sẽ cách chức Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn”, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Châu cũng chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp các huyện, thành phố ven biển kiểm tra, nghiêm cấm các phương tiện hành nghề giã cào không phép. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân biết và thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 cùng một số nhiệm vụ cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Doãn Công