1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý nhiều khoản tiền lớn tại Viettel

(Dân trí) - Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Tập đoàn đã có nhiều vi phạm và sai sót trong việc hạch toán tài chính cũng như không chấp hành nghiêm quy định xây dựng cơ bản, quy định về đầu tư của Nhà nước.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý nhiều khoản tiền lớn tại Viettel
Nhiều khoản doanh thu khuyến mãi của Viettel chưa được hạch toán đầy đủ.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

Theo đó, năm 2009, Viettel được Bộ Thông tin và Truyền thông thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thuế bao trả trước, Bộ Quốc phòng thanh tra về tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, chấp hành chính sách, pháp luật, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2008.

Sau kiểm tra tại công ty mẹ, đoàn thanh tra phát hiện, năm 2008, Viettel chưa hạch toán doanh thu khuyến mãi số tiền trên 533 tỉ đồng và còn kê khai thiếu trên 53,3 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra về khuyến mãi sản phẩm dịch vụ.

Cùng với đó, tập đoàn cũng đã hỗ trợ vốn cho công ty thành viên như công ty cổ phần Công trình Viettel số tiền trên 252,15 tỉ đồng; hỗ trợ công ty TNHH nhà nước một thành viên Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel 283,3 tỉ đồng; cho công ty này vay ưu đãi 370 tỉ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Viettel cho vay ưu đãi đối với Công ty XNK Viettel là không phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2004. Mặt khác, Viettel là doanh nghiệp không có chức năng tín dụng và cũng không có thẩm quyền cấp tín dụng ưu đãi.

Các khoản này đều được phía Thanh tra yêu cầu thu hồi lại.

Nhiều khoản hạch toán chênh lệch

Cũng theo kết luận phía Thanh tra, từ năm 2007 đến năm 2010, Viettel cung cấp cho VTC một số vật tư nhưng chưa hạch toán đầy đủ, kịp thời. Cụ thể, Tập đoàn xuất bán thiết bị cho VTC với trị giá gần 10,2 triệu USD nhưng chưa xuất hóa đơn GTGT, chưa ghi tăng khoản phải thu VTC số tiền là 132,2 tỷ đồng, tương ứng số thuế TNDN phải nộp là hơn 31 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong khi thực hiện đầu tư mạng viễn thông tại Lào, do xác định sai tỉ giá nên Viettel Global (VTG) đã hạch toán thiếu thu nhập của khoản vốn góp đầu tư sang Lào là 7,8 tỷ đồng. Tập đoàn cũng xuất trước một số thiết bị và thỏa thuận bán cho VTG, ghi nhận nợ phải thu với số tiên hơn 73 tỷ đồng, nhưng chưa xuất hóa đơn để kê khai thuế GTGT đầu ra là 7,3 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị việc xem xét truy thu ngân sách khoảng tiền 303,2 tỷ đồng là khoản thuế thu nhập doanh nghiệp do Viettel trích khấu hao tài sản cố định vượt so mức khấu hao nhanh hai lần.

Tuy nhiên, Tập đoàn đề nghị được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ và giải quyết vấn đề về vốn trong việc thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc, tiếp quản EVN Telecom.

Bên thanh tra cũng yêu cầu Viettel thực hiện nộp vào Quỹ dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam số tiền hơn 924,2 tỷ đồng. Trong đó, có trên 922 tỷ đồng năm 2010 Tập đoàn đã hạch toán vào chi phí nhưng đến nay chưa nộp; trên 21,5 tỷ đồng phải nộp quỹ năm 2009 và 2,18 tỷ đồng phải nộp tăng thêm do tăng doanh thu dịch vụ nhắn tin di động trả sau của 4 tháng đầu năm 2010…

Đồng thời, với số tiền 21,5 tỷ đồng phải nộp quỹ năm 2009, Thanh tra yêu cầu Tập đoàn phải có văn bản báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính để thực hiện việc thu nộp quỹ theo đúng quy định.

Chấp hành không nghiêm quy định xây dựng cơ bản

Ngoài ra, theo Thanh tra, Tập đoàn đã thực hiện một số quyết định sai, chấp hành không nghiêm quy định hiện hành của Nhà nước và của Bộ Xây dựng. Cụ thể, Viettel đã phân chia các dự án nhóm A thành các dự án nhóm B, C; không lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng với các dự án nhóm A; kê khai thiếu số tiền thuế nhà thầu nước ngoài gần 13,5 tỷ đồng.

Các nhà thầu tham gia gói thầu xây lắp dự án Viettel Bắc Giang có hành vi “dàn xếp, thông thầu” để tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng trúng thầu. Tổng công ty này sau đó lại chuyển nhượng cho công ty cổ phần Quang Minh thực hiện, ăn chênh lệch 235 triệu đồng.

Sau thanh tra, có tới 6 dự án toà nhà Viettel ở các tỉnh phải phê duyệt, điều chỉnh lại tổng mức đầu tư, 6 dự án phải điều chỉnh phê duyệt lại tổng dự toán. Có 18 công trình, dự án bị chậm tiến độ. Có 6 dự án có nhiều sai sót trong quá trình nghiệm thu, thanh quyết toán.

Bích Diệp