Thanh tra 20 hãng tàu biển nước ngoài trong tháng 4
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, từ nay đến hết tháng 4, đoàn công tác liên ngành gồm Bộ Tài chính – GTVT và Công Thương sẽ tiến hành thanh tra phí của 20 hãng tàu biển nước ngoài.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thời gian tiến hành thanh tra các hãng tàu biển hoạt động tại Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2015 của Bộ Tài chính ngày 7/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải chịu các loại phụ phí của các hãng tàu nên ảnh hưởng nhiều đến năng lực xuất khẩu doanh nghiệp. Vì thế, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính tổ chức thanh tra việc thu các loại phụ phí trên.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có quyết định rà soát, xem xét việc chấp hành pháp luật tài chính, làm rõ việc tuân thủ của các doanh nghiệp về chính sách thuế, phí và lệ phí, nhất là các loại phí mà các doanh nghiệp vận tải tàu biển đang thu đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa có đúng quy định, có hợp lý hay không
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Thứ trưởng Mai cho biết thêm, Đoàn sẽ tiến hành thanh tra 20 hãng tàu, được lựa chọn từ những hãng tàu, doanh nghiệp vận tải biển lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung ở các cảng lớn, chủ yếu ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng và một số điểm khác. Thời gian sẽ kiểm tra là trong tháng 4 này và sẽ sớm có kết quả để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 10/2014, có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đảm nhận khoảng 88% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu; trong đó đảm nhận gần 100% hàng hóa xuất khẩu đóng trong container xuất, nhập từ các thị trường như Châu Âu, Châu Mỹ, Bắc Mỹ.
Do phụ thuộc quá lớn vào các hãng tàu biển nước ngoài nên chủ hàng Việt Nam bị áp đặt thu nhiều các phụ phí khác nhau.
Hiện tại có khoảng 12 loại phụ phí các hãng tàu đang áp dụng thu như phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối container (CIC), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi, phí hóa đơn…
Các doanh nghiệp Việt Nam do không được trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng vận chuyển, thường bị áp đặt bị động, đồng thời vì chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc quản lý, giám sát thu phụ phí nên không bảo vệ được quyền lợi của chủ hàng và các hãng tàu thường lạm dụng để thu thêm một số loại phí khi hiện tượng biến động đã chấm dứt hoặc không xảy ra.
An Hạ