Đề nghị chấn chỉnh việc thu phí của các hãng tàu biển

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng cần thống nhất và tổ chức giám sát về việc thu phí, phụ phí tàu biển hiện tràn lan và bất hợp lý.

Đề nghị chấn chỉnh việc thu phí của các hãng tàu biển   - 1
Cách thu phí, phụ phí của các hãng tàu biển hiện nay rất nhiều bất cập.
 
Ý kiến chung của các doanh nghiệp trong buổi làm việc, đóng góp ý kiến về vấn đề thu phụ phí hàng hoá nhập khẩu do Cục Hàng hải, Bộ Giao thông và vận tải tổ chức ngày 22/4 tại TPHCM là cách thu phí, phụ phí của các hãng tàu biển hiện nay rất nhiều bất cập, không thống nhất, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

 

Ông Nhữ Hồng Hanh, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Tổng công ty may Việt Tiến, cho rằng trong thực tế từ những năm 2003, 2004 Việt Tiến có ý kiến về vấn đề thu phí, phụ phí của các hãng tàu, vì tổng công ty có lưu lượng hàng hoá xuất và nhập lớn nhưng tình hình vẫn chậm được khắc phục.

 

"Qua nhiều năm, ngày càng có những khoản phí phát sinh rất khó hiểu và bắt doanh nghiệp phải chịu. Nếu như năm 2003 Tổng công ty Việt Tiến chi khoảng 3 tỉ đồng cho chi phí xuất nhập khẩu thì đến năm 2010 chúng tôi đã phải chi đến 13 tỉ đồng", ông Hạnh nói.

 

Theo ông Hanh, hiện nay các hãng tàu, thu phí qua các đại lý giao nhận, vận chuyển, áp dụng các mức thu không đồng đều. Riêng phí CFS (Container Freight Station), có đại lý thu 10-15 USD, có đại lý bắt phải đóng tới 30 USD cho mỗi container.

 

Đại diện của một doanh nghiệp thương mại khác đưa ra ví dụ khác về tình trạng thu phí hỗn loạn, đó là phí vệ sinh container, một số hãng tàu như MSC, Gemadept chỉ thu từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/container thì hãng Maersk thu đến 25 USD, gần gấp đôi.

 

Ngoài các loại phí trên, những loại phí lưu kho lưu bãi, nâng hạ container cho đến các loại phí mới phát sinh hồi giữa tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua như phí EBS, phụ phí nhiên liệu khẩn cấp, phí CIC, phí mất cân đối container ... đều có sự khác biệt về tên gọi và chênh lệch về mức giá của các hãng tàu, gây bức xúc cho doanh nghiệp chủ hàng.

 

Không chỉ doanh nghiệp, các đại lý giao nhận, vận chuyển (forwarder), trung gian giữa các hãng tàu và chủ hàng cũng gặp khó. Hiện nay, chủ hàng ký hợp đồng trọn gói với các đại lý giao nhận, đến khi hoàn tất giao nhận thì chủ hàng mới thanh toán, còn các khoản phát sinh trong quá trình đó, forwarder phải tạm ứng. Do vậy, việc nhiều hãng tàu đưa ra phí cược container quá cao (để phòng ngừa những rủi ro trên đường vận chuyển) cũng gây khó khăn về vốn cho forwarder, mặc dù số tiền này sẽ được hãng tàu hoàn lại nếu container không bị hư hỏng.

 

Theo một forwarder, có những hãng tàu hiện nay chỉ thu tiền cược container 4 triệu đồng, nhưng cũng có những hãng như China Shipping thu đến 14 triệu 1 container, trong khi khối lượng container sử dụng của đại lý này thường lên đến vài trăm container/tuần, riêng tiền cược container đã là một khoản vốn lớn.

 

Doanh nghiệp cho rằng cần phải có sự thống nhất trong cách thu phí và mức độ thu phí giữa các hãng tàu, tạo ra sự minh bạch và rõ ràng, cụ thể như một khung giá nhất định trong từng thời điểm.

 

Theo Thái Hằng

TBKTSG Online