1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tháng ngâu, tiêu thụ dòng xe sedan giảm cả nghìn chiếc

(Dân trí) - Hai tháng gần đây là tháng ngâu vì vậy người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý không mua xe trong tháng này nên lượng tiêu thụ các dòng xe đều giảm mạnh. Thậm chí, "ngôi sao" của Toyota là Vios cũng giảm doanh số hàng trăm chiếc.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính trong tháng 8/2019, lượng xe sedan bán ra chỉ khoảng 6.800 chiếc, giảm hơn 2.300 chiếc so với tháng trước và nếu so với tháng 6, lượng xe sedan bán ra còn giảm khoảng 3.000 chiếc.

Tháng ngâu, tiêu thụ dòng xe sedan giảm cả nghìn chiếc - 1

Mẫu xe chủ lục của Toyota, xe chiến lược của dòng sedan mất doanh số, khiến xe sedan suy giảm bán ra hàng nghìn chiếc sau một tháng

Các mẫu xe thuộc dòng sedan truyền thống đột ngột suy giảm mạnh hàng nghìn chiếc so với các tháng trước đó là do nhiều mẫu xe thuộc thương hiệu lớn suy giảm lượng bán ra đột ngột và ở mức báo động.

Trong các dòng xe trên thị trường, sedan và SUV có doanh số giảm mạnh nhất, điều này là do có nhiều mẫu xe chiến lược trên thị trường đã suy giảm doanh số bán ra. Còn các dòng xe như MPV, hatchback có doanh số tương tự các tháng trước, thậm chí nhích tăng.

Trên thị trường, khá nhiều mẫu xe thuộc dòng sedan bị suy giảm doanh số, như Vios, Altis, Camry của Toyota; Mazda 3 của Trường Hải và City của Honda... Suy giảm mạnh nhất là Vios, mẫu xe chiến lược của dòng sedan và cũng là con cưng của Toyota tại Việt Nam.

Dù được giảm giá hàng chục triệu đồng liên tiếp trong các tháng gần đây nhưng theo thống kê, trong tháng 8, doanh số Vios chỉ đạt 1.900 chiếc, giảm 400 chiếc so với tháng trước và khoảng 1.400 chiếc so với tháng 6.

Các mẫu xe cùng họ của Toyota như Altis hay Camry cũng chẳng khá khẩm hơn khi doanh số suy giảm mạnh. Altis tiêu thụ tháng 8 chỉ 260 chiếc, giảm 150 chiếc so với tháng trước. Camry chỉ bán ra được hơn 295 chiếc, giảm hơn 50% so với tháng trước.

Các dòng xe trong phân khúc sedan cũng có doanh số giảm nhẹ như Mirage, Attrage của Mitsubishi, Cerato của Kia hay City của Honda. Doanh số các mẫu trên trong tháng 8 có suy giảm nhẹ từ vài chục đến trăm chiếc so với tháng trước. Tuy nhiên, doanh số của các mẫu này không đáng kể.

Các mẫu xe có doanh số cao chủ yếu như Mazda 3, có doanh số xấp xỉ 1.000 chiếc, doanh số mẫu Cerato luôn có doanh số từ 800 đến gần 900 chiếc/tháng, mới chỉ bằng 50% so với doanh số của Vios. Chính vì vậy, tác động của dòng xe này đến thị trường không lớn như Vios.

Theo thông tin, mấy tháng gần đây, họ nhà Toyota bao gồm: Camry, Altis, Innova hay Vios đều giảm giá nhẹ từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc ưu đãi dịch vụ đi kèm, phụ kiện. Tuy nhiên, bất chấp khuyến mãi, doanh số vẫn không như kỳ vọng.

Hai tháng gần đây là tháng 8 và tháng 7, doanh số dòng xe Vios có xu hướng giảm được các chuyên gia lý giải là tháng cô hồn, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý không mua xe trong tháng này. Đây cũng là xu hướng chung của thị trường xe hơi trong hai tháng gần đây khi doanh số các dòng xe lắp ráp suy giảm.

Mới đây, Bộ Công Thương rất lo lắng về tình hình doanh nghiệp xe hơi đuối sức khi cạnh tranh với xe ngoại nhập. Lượng xe lắp ráp suy giảm, đồng nghĩa với suy giảm sức cạnh tranh, thuế và chiến lược phát triển của ngành xe hơi Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, hiện tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe du lịch không cao (dưới 30%) chính vì vậy xe lắp ráp giảm doanh số không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh nghiệp. Các liên doanh thường lấy khu vực xe nhập để bù đắp doanh số hoặc chủ động giảm lượng xe lắp ráp để tăng xe nhập nguyên chiếc. Điều này khiến doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sang "đi buôn" một cách nhanh chóng hơn.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm