Tháng 4, tiêu thụ xe hơi giảm đột ngột, doanh số ông lớn Toyota, Honda "tụt dốc"

(Dân trí) - Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4, doanh số xe hơi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam giảm đột ngột, suy giảm bất thường so với các tháng trước đó. Tổng lượng xe tiêu thụ giảm hơn 11.000 chiếc, trong đó xe con suy giảm hơn 8.000 chiếc so với tháng trước đó.

Tổng doanh số bán xe hơi các loại mà VAMA báo về tháng 4 chỉ đạt hơn 21.000 chiếc, thấp hơn 11.300 chiếc so với tháng 3 trước đó. Xe con dưới 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có doanh số bán 14.300 chiếc, giảm hơ 8.200 chiếc so với tháng trước.

Tháng 4, tiêu thụ xe hơi giảm đột ngột, doanh số ông lớn Toyota, Honda tụt dốc - 1

Tháng 4 không hề vui vẻ và dễ dàng cho nhiều hãng xe khi doanh số tiêu thụ giảm rất mạnh sau một tháng tăng sốc

Đáng nói, lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong tháng 4 cũng suy giảm đồng loạt, diễn biến khá đồng thuận so với tháng trước đó khi xe lắp ráp trong nước có suy giảm, xe nhập vẫn tăng tốc về Việt Nam.

Chủng loại xe nhập theo thống kê của VAMA chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lớn như Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford mà chưa có số liệu thống kê của các doanh nghiệp tư nhân khác, cũng có lượng xe nhập khẩu khá lớn trên thị trường.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, lượng xe nhập về Việt Nam cũng giảm hơn 18% về lượng. Cụ thể, xe các loại về Việt Nam tháng 4 chỉ đạt hơn 10.800 chiếc, giảm hơn 2.400 chiếc so với tháng trước.; trong đó hơn 8.800 xe con dưới 9 chỗ ngồi, giảm khoảng 600 chiếc so với lượng xe con nhập về Việt Nam tháng 3.

Về các loại xe tiêu thụ trong tháng, hiện suy giảm mạnh nhất là các mẫu thuộc dòng sedan và xe đa dụng. Tháng 4, lượng xe sedan tiêu thụ chỉ đạt hơn 5.900 chiếc, giảm hơn 4.000 chiếc so với tháng trước; dòng xe gia đình cỡ lớn là MPV cũng chỉ tiêu thụ được hơn 1.800 chiếc, giảm hơn 2.200 chiếc so với tháng trước.

Dòng xe SUV cũng suy giảm hơn 1.100 chiếc so với tháng 3, chỉ đạt doanh số hơn 3.500 chiếc. Duy nhất, dòng Crossover có doanh số tăng hơn 240 chiếc, đạt lượng tiêu thụ 969 chiếc.

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe hơi, lượng xe lắp ráp và xe nhập tiêu thụ trong tháng 4 giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do chủ quan từ phía các doanh nghiệp.

Tháng 4/2019, Bộ Tài chính chính thức áp việc tăng phí trước bạ đối với xe pickup (xe bán tải), điều này đã khiến lượng tiêu thụ, lượng nhập xe loại này giảm ngay lập tức do thị trường giảm.

Bên cạnh đó, theo tiết lộ của nhiều tay buôn xe, do hợp đồng giao xe tháng 3 được xây dựng từ đầu năm 2019, nên có lượng hàng lớn, các doanh nghiệp phải lên kế hoạch giảm lượng xe nhập về để làm thị trường, tránh tình trạng dư cung, khiến giá các loại xe giảm đi. Các doanh nghiệp lắp ráp trong nước vì thế mà cũng "trông giỏ, bỏ thóc" không mạnh dạn đưa ra thị trường nhiều loại xe trong tháng 4, nhằm đối phó với xu hướng giảm giá từ tháng 5 hoặc tháng 6 theo chu kỳ kinh doanh quý II.

Cũng theo VAMA, hầu hết các đại gia xe hơi thuộc Hiệp hội đều có doanh số suy giảm. Toyota Việt Nam là hãng có doanh số ổn nhất cũng chỉ đạ hơn 4.200 xe được bán ra trong tháng, giảm hơn 4.800 chiếc so với tháng trước. Ông lớn nay có doanh số tụt giảm thê thảm nhất.

Mitsubishi Việt Nam là đại diện thứ 2 có doanh số tồi tệ trong tháng 4, khi chỉ đạt gần 1.300 chiếc bán ra, giảm hơn 1.200 chiếc so với tháng trước đó.

Honda là đại diện thứ 3 có doanh số suy giảm, cho dù các dòng xe của hãng này không ngừng "hot" ở Việt Nam. Tháng 4, theo báo cáo của VAMA, Honda chỉ bán dược hơn 1.700 chiếc, suy giảm gần 1.000 chiếc so với tháng trước.

Có lẽ "hên" nhất chính là Ford, Trường Hải khi doanh số tiêu thụ tháng 4 vẫn thuộc "top" cao và chỉ giảm nhẹ so với tháng trước. Ford Việt Nam ghi nhận lượng tiêu thụ hơn 2.100 chiếc, giảm 400 chiếc so với tháng trước.

Trong khi đó, Trường Hải với hai thương hiệu lắp ráp Kia và Mazda có doanh số bán ra đạt 5.200 chiếc, chỉ giảm 80 chiếc so với tháng 3 - tháng cao điểm mua bán xe.

Nguyễn Tuyền