Thần dược giải nhiệt: 800 ngàn đồng/kg, Hà Thành tranh nhau ăn

Thịt dày, ăn có vị ngọt, thơm ngon giống như gan bò, có tác dụng giải nhiệt,... loại nấm gan bò được thu hái trong rừng thông - đặc sản chỉ có duy nhất vào mùa mưa ở Đà Lạt - đang được người dân Hà Nội tranh nhau đặt mua mặc dù có giá lên tới 800.000 đồng/kg.

Bắt đầu vào mùa mưa, chị Hồ Thị Thanh Thảo ở Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội) lại tìm mối cũ để đặt hàng nấm gan bò rừng thông - đặc sản chỉ có ở Đà Lạt (Lâm Đồng) về nấu các món ăn xào, lẩu, súp cho gia đình.

Theo chị Thảo, loại nấm này rất nhiều người biết và được thưởng thức. Nấm cao khoảng 20cm, bên ngoài có màu nâu vàng, thịt dày, khi nấu lên nấm ăn có vị ngọt, thơm ngon và có tác dụng giải nhiệt cơ thể, là món ăn rất hợp vào mùa hè.


Vào mùa mưa, người dân Đà Lạt vào rừng thông hái nấm đem về ăn hoặc bán

Vào mùa mưa, người dân Đà Lạt vào rừng thông hái nấm đem về ăn hoặc bán

Tuy nhiên, loại nấm gan bò này hiện khá hiếm. Trước, chị phải đặt mua qua các mối bán rau sạch trong Đà Lạt với giá 500.000 đồng/kg. Song, chuyển ra đến Hà Nội nấm thường bị dập nát. Có lần nhận hàng từ Đà Lạt chuyển ra, nấm bị nát mất hơn một nửa, lại không được tươi ngon.

“Năm nay, tôi tìm được mối bán ở Hà Nội. Nấm cực tươi, 10 cái như cả 10, không bị dập nát. Nhưng, họ bán giá 800.000 đồng/kg, chưa bao gồm phí vận chuyển. Đặc biệt, muốn có loại nấm gan bò được hái trong rừng thông về ăn cũng phải đặt trước ít nhất từ 7-10 ngày”, chị Thảo cho hay.

Tương tự, chị Phan Thị Luyến ở Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị là “fan ruột” của loại nấm gan bò nên năm nào chuẩn bị vào mùa mưa ở Đà Lạt, chị cũng “đặt gạch” mối quen để gia đình có nấm ăn thường xuyên.

Chị cho hay, loại nấm này nhà chị thường đặt mua về làm súp nấm gà, xào thịt bò, nướng, nấu canh ăn thơm ngon không khác gì đặc sản nấm mối ở miền Tây. Theo đó, mỗi lần chị thường đặt mua từ 3-5kg về ăn dần.

“Loại nấm này chỉ mọc khi bắt đầu có những cơn mưa mùa hạ, hết mùa mưa là hết nấm. Thế nên, chị đặt mua liên tục, hết đợt này lại đặt đợt khác. Bởi trước và sau mùa mưa, có tiền triệu cũng không thể mua được loại nấm đó”, chị Luyến nói.

Song, theo chị Luyến, nếu nhờ được người quen đi du lịch ở Đà Lạt tiện đường tìm mua hộ nấm gan bò thì giá sẽ rẻ, hàng tươi ngon. Còn tự mua ở Đà Lạt rồi bảo họ vận chuyển ra Hà Nội thì nấm thường hao hụt do dập nát. Trong khi đó, mua nấm này của các mối ở Hà Nội thì thường trên 800.000 đồng/kg, đắt gấp rưỡi giá nấm mua ở Đà Lạt.


Nấm gan bò, loại nấm đặc sản thu hái trong rừng thông hiện có giá bán cực đắt đỏ

Nấm gan bò, loại nấm đặc sản thu hái trong rừng thông hiện có giá bán cực đắt đỏ

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Đức ở Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), một mối chuyên buôn đặc sản rừng thừa nhận, vào mùa này, nấm gan bò Đà Lạt đang được dân Hà thành săn mua nhiều nhất.

“Sáng nay, tôi vừa đi nhận 25kg nấm gan bò rừng thông chuyển từ Đà Lạt ra Hà Nội bằng đường hàng không, về chia ra các túi nhỏ nhưng cũng chỉ đủ trả cho một nửa số lượng khách đã đặt hàng trước đó. Số còn lại tiếp tục chờ đến đợt nấm sau”, anh Đức chia sẻ.

Theo anh Đức, đến mùa mưa, người dân Đà Lạt thường vào rừng thông để tìm loại nấm gan bò về ăn hoặc bán cho các mối lấy buôn để họ chuyển bán cho các nhà hàng tại Đà Lạt hay TP.HCM.

Tuy nhiên, loại nấm gan bò này khá hiếm, nhất là khi người dân bản địa giờ đua nhau vào rừng khai thác khiến loại nấm ngày càng hiếm hơn. Do đó, giá cũng ngày một đắt đỏ.

Giá anh mua gom tại các mối ở Đà Lạt là nửa triệu đồng/kg. Vận chuyển ra đến Hà Nội, trừ tỷ lệ hao hụt cân nặng, tỷ lệ nấm dập nát thì giá nấm bán ra đã lên tới 800.000 đồng/kg chưa bao gồm phí ship cho khách hàng, anh cho hay.

“Đắt thế mà người dân vẫn tranh nhau đặt mua vì ai cũng muốn thưởng thức loại nấm rừng quý hiếm này”, anh Đức nói. Một tuần nay, anh nhận 3 chuyến nấm từ Đà Lạt chuyển ra vẫn không đủ lượng hàng để trả cho khách đã đặt. Vậy nên, anh đang hạn chế bớt số lượng khách đặt hàng. Khách quen thân, anh cũng chỉ nhận đơn mà không chốt hứa trước bao giờ có hàng.

Theo Như Băng
VietnamNet

Thần dược giải nhiệt: 800 ngàn đồng/kg, Hà Thành tranh nhau ăn - 3