1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tham nhũng “vặt” lẫn tham nhũng lớn đều giảm, doanh nghiệp có “dễ thở” hơn?

(Dân trí) - Hiện tượng “tham nhũng vặt” - chi phí bôi trơn mà DN phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép cùng tham nhũng lớn trong năm 2018 đều có dấu hiệu giảm so với thời kỳ trước – Đây là một trong những thông tin đáng chú ý tuần qua. Song, hiện tượng chi phí không chính thức vẫn tương đối cao và cho thấy cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước.

“Nguồn chi cho lương công chức Việt Nam quá cao”

TS Võ Trí Thành: “Nguồn chi cho lương công chức Việt Nam quá cao” - 1

Theo TS Võ Trí Thành, áp lực của bài toán kinh tế Việt Nam đến từ phía chi nhiều hơn.

Nêu nhận định tại một sự kiện gần đây, TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tổng thể bài toán kinh tế lớn nhất của Việt Nam là phía thu và phía chi, trong đó, áp lực là từ phía chi nhiều hơn, cho nên nếu cấu trúc lại phần thu mà không đặt ưu tiên vào phần chi thì là cả vấn đề, vì đây là cái khó nhất.

“Nguồn chi cho lương công chức Việt Nam quá cao, và lương của từng công chức Việt Nam quá đắt. Bộ máy công chức Việt Nam có thể không lớn nhưng nếu tính tất cả số lượng thì cực lớn”, ông Thành cho hay.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng trợ cấp xã hội của nước ta cũng lớn vô cùng, trung bình 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Gần 60% doanh nghiệp tố bị "cán bộ" Nhà nước nhũng nhiễu

Gần 60% doanh nghiệp tố bị cán bộ Nhà nước nhũng nhiễu - 1

Báo cáo PCI năm 2018, gần 60% doanh nghiệp vẫn cho biết bị cán bộ Nhà nước nhũng nhiễu

 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, hiện tượng " tham nhũng vặt" - chi phí bôi trơn mà DN phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép, trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước. Cụ thể, mức độ phổ biến của hiện tượng này đã giảm, tuy nhiên, tỷ lệ vẫn còn hơn lệ 54,8% DN phải trả chi phí không chính thức, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2015 là 66,3%).

Hơn 58,2% DN được điều tra cho biết còn hiện tượng nhũng nhiễu từ cán bộ cơ quan nhà nước, địa phương khi giải quyết các thủ tục cho DN (giảm so với mức cao nhất ghi nhận trong năm 2014 là 65,6%).

"Điều tra PCI 2018 cũng ghi nhận "tham nhũng lớn" có dấu hiệu giảm bớt. Chỉ 30,8% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với 32% vào năm ngoái). Ấn tượng hơn cả là con số 39,3% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%)", ông Tuấn nói.

Cũng theo Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, năm 2018 có 48,4% DN đồng ý với nhận định chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu (năm 2017 là 54,9%). Cuối cùng, tỷ lệ DN lo ngại tình trạng chạy án là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 28,8% (năm 2017 là 31,6%).

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận những phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn tương đối cao và cho thấy cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước.

"Bột giấy Phương Nam bán không ai mua, Gang thép Thái Nguyên bán được lại vướng pháp lý"

dang-quyet-tien.jpg

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn tại DNNN còn diễn ra chậm, nhiều vướng mắc.

 

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, tiến độ thoái vốn nhà nước còn rất chậm.

"Dự án thua lỗ nên thoái vốn không dễ. Ví dụ như Tổng công ty giấy, chỗ Nhà máy Bột giấy Phương Nam đấu giá 3-4 lần không có nhà đầu tư mua. Hay như Tổng công ty Thép, muốn thoái vốn ở dự án Gang thép Thái Nguyên, có thể bán cả doanh nghiệp nhưng muốn bán phải xử lý các vấn đề tồn tại, đặc biệt là tranh chấp pháp lý giữa chủ đầu tư và nhà thầu nước ngoài", ông nói.

"Có doanh nghiệp muốn bán mà nhà đầu tư không mặn mà, còn có doanh nghiệp có dư địa bán thì lại vướng. Rõ ràng vấn đề này khách quan, không xử lý một sớm một chiều được", ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng chỉ ra rằng, các dự án thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, công khai minh bạch.

"Có đồng chí bảo bán cao ai mua phải cắt lỗ nhưng quan trọng ta phải hiểu đúng pháp luật nghĩa là nếu anh đầu tư sai, đôn giá từ 10 đồng lên 20 đồng, ông làm sai phải đền bù. Giá trị là 10 đồng thì không thể nói em đầu tư 20 đồng, em phải bán từng đấy. Thị trường định giá như thế nào thì chúng ta phải nhận như thế. Ví dụ nhà máy bột giấy Phương Nam đòi 1.000 tỷ đồng mới bán thì khó vì thực tế có hoạt động đâu", ông nói thêm.

Nếu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc Nam: Nguy cơ "sập bẫy" nợ nần?

cao_toc_da_nang_quang_ngai.jpg

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sử dụng vốn vay ODA của WB và Jica, trong đó có một gói thầu do nhà thầu Trung Quốc thi công. Ảnh minh họa: MT

 

Mới đây, thông tin nhà đầu tư Trung Quốc muốn thầu trọn hoặc tham gia từng gói thầu của dự án đường cao tốc Bắc Nam đã gây không ít lo lắng cho người dân. Hệ quả nhãn tiền từ 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương, đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là những thực tế đặt ra hoài nghi lớn về hiệu quả của đồng tiền Trung Quốc tại Việt Nam.

Trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả dính líu đến nhà đầu tư Trung Quốc có Đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Đạm Hà Bắc, một số dự án ethanol cũng được cho là sử dụng công nghệ của Trung Quốc đã bị điểm tên như: Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất; Nhà máy ethanol Đại Việt (Đăk Nông), Nhà máy ethanol Đăk Tô (Kon Tum)...

Hai đại dự án Đạm Ninh Bình và Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là điển hình nhất của hệ quả sử dụng vốn, hợp tác hoặc được nhà thầu phụ mua, sử dụng công nghệ Trung Quốc. Điều này đã khiến thời gian dài các đại dự án này không thể vận hành hiệu quả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực sản xuất của ngành, cũng như đất nước.

Ngoài 12 đại dự án tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa thể gượng dậy; vốn, công nghệ Trung Quốc thời gian trước luôn ẩn hiện trong rất nhiều nhà máy, xi nghiệp và dây truyền công nghiệp nặng của Việt Nam.  

Lọc dầu Nghi Sơn sản xuất trở lại, thị trường hết lo thiếu xăng RON 95

54799019_382291075688912_352743172939448320_n.jpg

Trước đó, một số cây xăng trên địa bàn Hà Nội treo biển hết hàng, tạm ngừng bán với xăng RON 95.

 

Những ngày qua, một số cây xăng trên địa bàn Hà Nội bất ngờ thông báo tạm dừng bán xăng RON 95 do hết hàng. Thậm chí, tại nhiều cây xăng, nhân viên cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ vài ngày trước đó.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vào ngày 24/2, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã gặp sự cố về phát điện nên không thể sản xuất nhiên liệu. Lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu hoạt động thương mại từ 9/2018, đang chiếm 70-75% nguồn cung xăng dầu và 39% thị phần xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, tới ngày 3/3, nhà máy Nghi Sơn đã bắt đầu khởi động lại và tới ngày 22/3 toàn bộ các phân xưởng đã hoạt động trở lại nhưng mới chỉ sản xuất được dầu diesel. Tới ngày 26/3 thì sản xuất được xăng đạt chất lượng và đến hôm nay và ngày mai (29/3), xăng RON 95 và RON 92 sẽ được sản xuất bình thường.

Mai Chi (tổng hợp)

Tham nhũng “vặt” lẫn tham nhũng lớn đều giảm, doanh nghiệp có “dễ thở” hơn? - 1