Gần 60% doanh nghiệp tố bị "cán bộ" Nhà nước nhũng nhiễu

(Dân trí) - Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), hơn 58,2% DN cho biết còn hiện tượng nhũng nhiễu từ cán bộ cơ quan Nhà nước, địa phương khi giải quyết các thủ tục cho DN. Mặc dù giảm so với mức cao nhất là 65,6% ghi nhận trong năm 2014, tuy nhiên đây vẫn là mức cao.

Đại diện VCCI cho biết kết quả điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 ghi nhận những cảm nhận tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về nỗ lực gần đây của chính quyền trong phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí phi chính thức.

Gần 60% doanh nghiệp tố bị cán bộ Nhà nước nhũng nhiễu - 1

Báo cáo PCI năm 2018, gần 60% doanh nghiệp vẫn cho biết bị cán bộ Nhà nước nhũng nhiễu

Ông Tuấn cho rằng, hiện tượng "tham nhũng vặt" - chi phí bôi trơn mà DN phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép, trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước. Cụ thể, mức độ phổ biến của hiện tượng này đã giảm, tuy nhiên, tỷ lệ vẫn còn hơn lệ 54,8% DN phải trả chi phí không chính thức, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2015 là 66,3%).

Tuy nhiên, VCCI thừa nhận: Hơn 58,2% DN được điều tra cho biết còn hiện tượng nhũng nhiễu từ cán bộ cơ quan nhà nước, địa phương khi giải quyết các thủ tục cho DN (giảm so với mức cao nhất ghi nhận trong năm 2014 là 65,6%).

"Điều tra PCI 2018 cũng ghi nhận "tham nhũng lớn" có dấu hiệu giảm bớt. Chỉ 30,8% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với 32% vào năm ngoái). Ấn tượng hơn cả là con số 39,3% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%)", ông Tuấn nói.

Cũng theo Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, năm 2018 có 48,4% DN đồng ý với nhận định chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu (năm 2017 là 54,9%). Cuối cùng, tỷ lệ DN lo ngại tình trạng chạy án là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 28,8% (năm 2017 là 31,6%).

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận những phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn tương đối cao và cho thấy cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước.

Về việc gia nhập thị trường, ông Đậu Anh Tuấn nói rằng: Hiện vẫn còn nhiều khó khăn dù có những cải cách ấn tượng trong thủ tục đăng ký DN, kết quả điều tra PCI 2018 cho thấy, gánh nặng "hậu đăng ký DN" đang là vấn đề lớn với nhiều DN.

"Năm 2018, có 15,8% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN) để có thể chính thức đi vào hoạt động. Con số trên có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ DN cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy phép cũng cao ở mức đáng báo động", chuyên gia Đậu Anh Tuấn nói.

Minh bạch thông tin chưa có nhiều cải thiện, DN vẫn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận được thông tin. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận của DN với các tài liệu pháp lý có khá hơn song chưa có nhiều cải thiện kể từ những năm đầu tiến hành điều tra. Vẫn có tới 69,4% DN cho biết "cần có mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh.

Bên cạnh đó, các DN đang gặp phải khó khăn lớn nhất tìm kiếm khách hàng (60%), tìm kiếm nguồn vốn (37%) và những biến động của thị trường (32%), tuyển dụng lao động, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, biến động chính sách, pháp luật...

Nguyễn Tuyền