Tham nhũng khiến thế giới mất 1.000 tỷ USD mỗi năm

(Dân trí) - Một báo cáo vừa được công bố ước tính mỗi năm, các nước nghèo thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD và hàng triệu sinh mạng vì tham nhũng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Bản báo cáo của tổ chức chống đói nghèo có tên One của Mỹ nói rằng, phần lớn tiến bộ đạt được trong 2 thập kỷ qua trong lĩnh vực giảm nghèo trên thế giới đang có nguy cơ bị đảo ngược bởi tham nhũng và tội ác.

Theo định nghĩa mà báo cáo này đưa ra, tham nhũng bao gồm cả hành vi sử dụng các công ty “ma” và hoạt động rửa tiền. Bản báo cáo nói, tham nhũng khiến 3,6 triệu người vô tội mất đi sinh mạng mỗi năm.

Các nhà hoạt động của One nhận định rằng, nếu thế giới hành động để chấm dứt sự bí mật giúp cho tham nhũng lan rộng, và nếu số tiền phục hồi lại được dùng cho lĩnh vực y tế, thì sinh mạng của nhiều người dân ở các nước thu nhập thấp sẽ được cứu.

Tổ chức One gọi những phát hiện được đưa ra trong báo cáo là “vụ bê bối nghìn tỷ USD”.

“Tham nhũng cản trở đầu tư trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm gia tăng chi phí kinh doanh, và có thể dẫn tới bất ổn chính trị”, báo cáo viết. “Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, tham nhũng giống như một sát thủ. Khi các chính phủ bị tước mất nguồn lực để đầu tư vào y tế, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng cần thiết, thì nhiều sinh mạng sẽ bị mất đi và thiệt hại lớn nhất rơi vào trẻ em”.

Báo cáo này nói rằng, nếu nạn tham nhũng được tiêu diệt ở khu vực tiểu sa mạc Sahara của châu Phi, sẽ có thêm 10 triệu trẻ em ở đây được tới trường mỗi năm, sẽ có ngân sách để trả lương cho thêm 500.000 giáo viên tiểu học, và sẽ có thêm thuốc kháng HIV/AIDS cho hơn 11 triệu người.

Trên cơ sở các lập luận như vậy, tổ chức One kêu gọi các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Australia vào tháng 11 tới đưa ra các biện pháp cần thiết để tăng cường chống tham nhũng, bao gồm công bố công khai chủ sở hữu của các công ty và quỹ đầu tư để ngăn không cho các công ty và quỹ được sử dụng cho hoạt động rửa tiền hay che giấu danh tính của tội phạm.

Báo cáo cũng ủng hộ việc đưa ra các đạo luật báo cáo bắt buộc đối với các ngành dầu khí và khai mỏ để nguồn tài nguyên của các quốc gia “không bị đánh cắp khỏi người dân sống trên các nguồn tài nguyên đó”. Ngoài ra, báo cáo còn đề xuất các hành động chống trốn thuế “để các nước đang phát triển có thông tin cần thiết phục vụ cho việc thu thuế” .

Phương Anh
Theo BBC
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước