Thăm làng hương trầm ở “xứ sở” bà chúa thơ Nôm

(Dân trí) - Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - mảnh đất sinh ra bà chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng là một trong những làng nghề làm hương trầm nổi tiếng xứ Nghệ.

Từ nhiều năm nay, vào mỗi dịp tết đến xuân về, rất nhiều gia đình ở Quỳnh Lưu, Vinh, Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu... đều không thể thiếu được trầm làng Quỳnh. Trầm Làng Quỳnh thắp lên để hậu thế bày tỏ lòng thành kính của mình trước gia tiên. Trầm ấy người ta còn mang biếu nhau, cùng nhau ngồi lại thưởng thức trầm trong cái lạnh se se như một món ăn tinh thần, một thú chơi thanh tao nho nhã. Có lẽ đó là một điều độc đáo hiếm thấy ở một sản phẩm giàu giá trị tâm linh như trầm làng Quỳnh.

Công đoạn quấn hương trầm đòi hỏi công phu.
Công đoạn quấn hương trầm đòi hỏi công phu.

Công đoạn quấn hương trầm đòi hỏi công phu.

Gần 20 năm theo đuổi nghiệp làm trầm nhưng phải đến năm 2001 ông Hồ Quốc Việt (ngụ tại xóm 4, Quỳnh Đôi) mới sản xuất trầm trên quy mô lớn. Trưởng làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi chia sẻ: “Những năm gần đây chúng tôi triển khai làm trầm sớm hơn, kéo dài từ trung tuần tháng 9 cho đến giáp tết Nguyên đán. Trầm làng Quỳnh là sự kết tinh của nhiều nguyên liệu gồm bột mía, bột hương lâu và các vị thảo dược quý như: hoa hồi, thảo quả, đinh hương, quế chi, rễ tế tân, sinh địa, thục địa...”.

Vào những ngày mưa lạnh, độ ẩm cao, các vị này quyện hòa vào nhau tạo nên một mùi hương dịu ngọt rất đặc trưng. Những người già trong làng có thể nghe mùi trầm mà đoán biết được chính xác trầm ấy tạo thành bởi các loại nguyên liệu gì và mức độ đậm nhạt của từng vị ra sao.

Công đoạn bó hương thành nắm để vận chuyển cũng được làm khá chu đáo.
Công đoạn bó hương thành nắm để vận chuyển cũng được làm khá chu đáo.

Làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi.
Làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi.

Cũng theo ông Việt, việc làm trầm tiêu tốn rất nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn. Trừ một số nguyên liệu mua sẵn như giấy bản; việc sơ chế các nguyên liệu như mía, rễ hương lâu, các vị thảo dược... nay đã có máy móc nhưng về cơ bản trầm làng Quỳnh vẫn được làm theo phương pháp thủ công.

Cơ sở sản xuất trầm Hương Quỳnh của ông Việt hơn 10 công nhân làm việc hết công suất, ngày đỉnh nhất số trầm làm ra có thể đạt 12 ngàn que. Từ ngày đi vào hoạt động cơ sở sản xuất trầm Hương Quỳnh của ông Hồ Quốc Việt không chỉ tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ quanh vùng (thu nhập ổn định từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng), mà còn tạo điều kiện thuận lợi cung ứng sản phẩm với giá “mềm” cho Hội người mù huyện Quỳnh Lưu. Sản phẩm sau khi đã bán ra thị trường ông mới thu lại vốn, khoán cho Hội một số công đoạn như chẻ chu, đóng gói... Trung bình mỗi năm Huyện Hội cũng đã giúp ông tiêu thụ từ 30 đến 35 vạn que trầm.

Ngoài cơ sở trầm của ông Việt, trầm hương Làng Quỳnh còn khá nhiều cơ sở sản xuất trầm nổi tiếng như Thành Tâm, Hiếu Nghĩa, Phúc Lộc... mà mỗi thứ trầm lại cho ra một mùi vị rất đặc trưng theo bí quyết riêng của mỗi gia đình.
 
Cơ sở trầm Tiến Đạt của ông Hồ Sĩ Lực (xóm 4, Quỳnh Đôi) ngoài việc sản xuất khoảng 50 vạn que trầm mỗi năm, cơ sở của ông còn làm thêm cả hương xạ. “Đây là nghề gia truyền của cha ông tôi để lại, dù thế nào thế hệ con cháu chúng tôi cũng phải quyết tâm giữ lấy nghề”, ông Lực chia sẻ.
 
Trong cơ chế thị trường trầm hương làng Quỳnh vẫn còn gặp không ít những khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt, nguồn vốn để mở mang sản xuất còn eo hẹp, vấn đề thương hiệu và bảo vệ thương hiệu vẫn còn bất cập... Dẫu vậy ông Việt và những người tâm huyết với nghiệp làm trầm ở làng Quỳnh vẫn âm thầm, lặng lẽ ngày ngày chắt chiu từng giọt tinh túy của đất trời, cây cỏ để lưu giữ hồn trầm. Họ làm trầm như chính là để dâng lên gia tiên của mình, để cái tâm thành kính hướng về nguồn cội được thanh thản và trọn vẹn!
 
Xuyến Chi - Nguyễn Duy
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”