CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam:

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp Việt không tệ nhưng "máu me” không nhiều

(Dân trí) - CPTPP có hiệu lực, đòi hỏi doanh nghiệp phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Tuy nhiên, trong cuộc chơi toàn cầu, để phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi doanh nghiệp phải dám chơi, dám đầu tư thì mới có thể thành công.

 

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp Việt không tệ nhưng máu me” không nhiều - Ảnh 1.

Trong cuộc chơi toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp phải dám chơi, dám đầu tư thì mới có thể thành công.

Ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam sau khi có hiệu lực tại 6 quốc gia lưu vực Thái Bình Dương – ÚC, Canada, Nhật, Mexico, New Zealand và Singapore vào ngày 30/12/ 2018.Thông tin về Công nghiệp Hỗ trợ (CNHT):

CPTPP được giới chuyên gia đánh giá là sẽ có tác động tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, yêu cầu đặt ra với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ càng tăng lên bởi khi tham gia vào CPTPP, Việt Nam sẽ chỉ có lợi khi nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, với độ mở của nền kinh tế rất lớn. Điều đó có nghĩa rằng, những sản phẩm của Việt Nam tham gia vào trong chuỗi giá trị sẽ phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh của các quốc gia, các nên kinh tế khác.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 không cho phép chúng ta tiếp tục có những độ trễ lâu hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, đặc biệt trong đó vai trò của CNHT sẽ là nền tảng thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

"Không chỉ CPTPP mà còn các FTA thế hệ mới của Việt Nam đã ký kết với 16 FTA đang đặt ra những yêu cầu rất bức thiết mà chúng ta phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ và chất lượng phát triển công nghiệp hỗ trợ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá về năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt, bà Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam cho hay, công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt hiện chủ yếu là làm cho xe máy. Nhưng từ xe máy chuyển sang điện tử thì yêu cầu khác hẳn.

"Khi Samsung vào Việt Nam thì ông nào cũng nhao đến, vì cách làm của Samsung khác với Nhật Bản. Nhật Bản khi vào đây mở thị trường và họ hứa hẹn rất nhiều. Nhưng xe máy là chỉ bán ở nội địa vì cồng kềnh, còn điện tử là xuất toàn cầu, yêu cầu rất khác, nhập khẩu cũng rất dễ nên muốn bán cho Samsung phải vừa rẻ, vừa tinh nhuệ và sản lượng lớn, đáp ứng mọi sự thay đổi của nó. Mà nó thay đổi rất nhanh, không giới hạn bất cứ điều gì", bà Bình nói.

Theo bà Bình: "Cái dở của doanh nghiệp Việt Nam là quen với cách thức của Nhật Bản nhưng thực ra cách làm của Nhật Bản không ai làm nữa. Cứ so với Nhật Bản là chết. Cả thế giới giờ mua bán kiểu khác, còn Việt Nam thì cứ phải hứa, phải cam kết tiêu thụ thì mới đầu tư".

Theo bà Bình, trong cuộc chơi toàn cầu này đòi hỏi doanh nghiệp phải dám chơi, dám đầu tư thì mới có thể thành công, thực tế dù không nhiều nhưng cũng có những doanh nghiệp làm được điều đó. Bà dẫn ví dụ: "Khi vào Việt Nam, Samsung chọn một số nhà máy làm nhà cung cấp cấp 1, như trong Sài Gòn có doanh nghiệp Minh Nguyên là một trong những công ty rất thiện chí đầu tư và quyết tâm theo đuổi. Hay ở Miền Bắc thậm chí có một công ty làm được bản mạch, họ cũng máu đầu tư".

"Thực tế, khi Samsung đầu tư thì chỉ có một vài doanh nghiệp dám chấp nhận rủi ro, đạt yêu cầu thì mỗi năm tiêu thụ bằng này, bằng này, kể cả không bán được cho Samsung Việt Nam thì cũng bán được cho Samsung toàn cầu. Nhưng không phải ai làm được. Những doanh nghiệp này làm được vì họ dám đầu tư chứ không có gì lắt léo cả", bà nói.

Bà Bình cũng cho rằng, nói doanh nghiệp Việt liên kết kém nhưng thực ra không phải. "Một số nhà đầu tư nước ngoài nói doanh nghiệp Việt Nam cái gì cũng muốn, nhưng không muốn mất cái gì, bỏ ra thì phải cam kết, mà họ chẳng thể cam kết được điều gì. Những doanh nghiệp tham gia được chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI là những doanh nghiệp hiểu điều đó và theo đuổi cuộc chơi. Ông nào dài hơi, có chiến lược sản xuất tốt thì dám đầu tư".

"Doanh nghiệp Việt Nam không tệ, nhưng số máu me theo đuổi không nhiều. Để theo đuổi cuộc chơi này cần chiến lược dài hạn chứ không phải cứ làm rồi tính. Doanh nghiệp phải liên tục đổi mới. Rồi mới nghĩ chuyện mở mang thị trường. Doanh nghiệp làm tốt thì không hết việc. Muốn hoành tráng thì Chính phủ phải can thiệp. Doanh nghiệp tư nhân cần liên tục đổi mới công nghệ, dám đầu tư", bà Bình nói thêm.

Phương Dung

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp Việt không tệ nhưng máu me” không nhiều - Ảnh 2.