Thái Lan sẽ “đổ” gấp 5 lần vốn đầu tư vào Việt Nam
(Dân trí) - Tính đến tháng 3/2015, Thái Lan đứng thứ 10/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 374 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 6,69 tỷ USD. Bên cạnh thúc đẩy đầu tư, hai nước dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.
Các dự án lớn của Thái Lan tại Việt Nam sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Về đầu tư, tính đến tháng 3/2015, Thái Lan đứng thứ 10/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 374 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 6,69 tỷ USD.
Tại kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần này, hai bên cũng đã trao đổi sâu và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Thái Lan trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; theo đó nhất trí kiến nghị tổ chức họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3 kết hợp với chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, dự kiến trong nửa đầu 2015.
Về hợp tác kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020, sớm tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về Thương mại cấp Bộ trưởng lần 2 tại Thái Lan. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, theo đó phối hợp triển khai các dự án lớn của Thái Lan tại Việt Nam (như dự án Nhà máy lọc hóa dầu tại Bình Định, dự án Khu đô thị công nghệ cao tại Quảng Ninh và dự án nhà máy nhiệt điện tại Quảng Trị…), sẽ giúp nâng tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam tăng gấp 5 lần so với hiện nay.
Hai bên cũng nhất trí trao đổi để mở tuyến xe buýt xuyên biên giới Thái Lan - Việt Nam và xúc tiến hợp tác vận tải biển ven bờ giữa Thái Lan, Campuchia và Việt Nam; phấn đấu ký các văn kiện liên quan trong tháng 6/2015. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về lao động, sớm tiến tới ký Bản ghi nhớ về Hợp tác lao động và Thỏa thuận về Tuyển dụng lao động giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam sang Thái Lan.
Cả Việt Nam và Thái Lan đều cho rằng, cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp; phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến ngư dân và tàu thuyền trên tinh thần nhân đạo và quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hoá, du lịch, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ và môi trường…
Việt Nam và Thái Lan cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước thành viên ASEAN khác trong việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; duy trì vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong giải quyết các vấn đề chiến lược ở khu vực.
Trao đổi về tình hình Biển Đông, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Thái Lan, với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy tham vấn thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Bích Diệp