Gia Lai

Tết về, lão nông “hốt bạc” nhờ nuôi heo rừng lai

(Dân trí) - Vỡ mộng vì cây tiêu, lão nông Ngô Minh Sơn ngoài 55 tuổi (thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã quyết chí làm giàu từ nghề chăn nuôi heo rừng. Sau nhưng năm tháng cần mẫn học hỏi và tích góp, ông Sơn đã có một trang trại gần 100 con heo rừng giống, mỗi năm ông thu về trên 200 triệu đồng.

Nằm sâu trong con hẻm ở của một xã nghèo là hộ gia đình lão Ngô Minh Sơn chuyên chăn nuôi heo rừng “nức tiếng” một vùng. Trang trại heo rừng lai của ông Sơn dịp cận tết này khá náo nhiệt bởi những khách hàng phương xa, thường đến đặt heo ăn tết.

Vừa ghi những đơn hàng khách đặt, ông Sơn vừa kể lại những ngày đầu “đến” với loại heo này.

Lão nông Ngô Minh Sơn tuổi đã lớn nhưng luôn tìm tòi và chịu khó nghĩ ra cách làm giàu từ vùng đất khó

Nhấp ngụm nước trà, ông Sơn tâm sự, trước kia đây là vùng đất bazan nên người dân trong vùng luôn gắn với những cây cà phê, tiêu…Theo đó, năm 2016 là năm được coi là thời hoàng kim của các cây công nghiệp này. Nhưng đến năm 2017, giá cả của cà phê, tiêu rớt thảm và chết trắng vùng. Ông cũng bỏ ra hàng trăm triệu để đầu tư nhưng cũng không mấy khả quan, nhiều diện tích tiêu chết khiến gia đình thua lỗ. Chính vì vậy, lão nông này đã quyết tâm mở rộng mô hình nuôi heo rừng.

Sau 5 năm, trang trại heo giống của ông Sơn đã lên đến hàng trăm con
Sau 5 năm, trang trại heo giống của ông Sơn đã lên đến hàng trăm con

Theo ông Sơn, trước đó ông đã rất thích nuôi loại heo này bởi tập tính hoang dã, ít bệnh tật của chúng. Nhưng vì không có vốn đầu tư, mãi đến năm 2013 ông mới vay mượn được một ít tiền mua 15 con heo cái và 1 con heo đực về nuôi.

Tận dụng diện tích đất trồng cây ăn quả rộng gần 2.000 m2 của gia đình, ông Sơn đã xây thành 7 ô chuồng theo hướng bán hoang dã. Mỗi một chuồng, ông đều phân thành từng giai đoạn sinh trưởng của heo. Bên trong chuồng có chia thành từng ô nhỏ cho heo nằm lúc mưa, gió hay trong thời kỳ heo mẹ sinh sản.

Heo rừng luôn được người dân vì sạch, ít mỡ
Heo rừng luôn được người dân vì sạch, ít mỡ

Sau 5 năm chăm sóc, đàn heo của ông Sơn tăng vọt từ 16 con lên đến 200 con. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi heo rừng lai, ông Sơn cho hay: “Loại heo này rất ít bệnh tật, đặc biệt là chưa hề bị bệnh tai xanh như lợn thường. Chủ yếu heo rừng lai hay bị bệnh phổi về mùa lạnh. Nhưng 2 năm trở lại đây đàn heo của tôi cũng chưa thấy dấu hiệu gì".

"Bên cạnh khâu chọn giống thì việc xây dựng chuồng trại là một việc khá quan trọng. Vì tập tính nửa rừng, nửa nhà nên chúng ta cần phải xây dựng hệ thống chuồng trại rộng rãi, thoáng mát và tạo thành các ô nhỏ có mái che ngoài trời để lợn trú ngụ. Tuyệt đối không nên xây dựng chuồng dạng kín như heo thường, chuồng càng rộng heo đi lại nhiều thì thịt heo càng dai và ngon…”, ông cho biết thêm.

Cận tết, trang trại heo rừng của ông Sơn hốt bạc

Được biết, thức ăn hằng ngày của heo rừng lai là những bó cỏ voi cùng một ít cám gạo hoặc ngô. Chỉ khi những chú heo con mới tách heo mẹ, ông Sơn mới cho ăn thêm cám đậm đặc.

“Đối với những con heo mẹ đang trong thời kỳ mang thai cần bổ sung chất dinh dưỡng như (cám gạo, cám ngô hoặc các loại rau, củ, quả…) để heo mẹ có sức đề kháng tốt. Thông thường một năm heo mẹ sẽ sinh sản vào 2 đợt, sau 6-7 tháng thì có thể xuất bán…”, ông Sơn cho biết thêm.

Heo rừng lai của ông Sơn được chăn nuôi theo kiểu nửa rừng, nửa nhà, thêm vào đó nguồn thức ăn chủ yếu là cây cỏ, rau củ nên thịt nhiều nạc. Chính vì vậy, khá nhiều nhà hàng cũng như hàng xóm, láng giềng rất thích thú với loại thực phẩm này.

Hiện nay, ông Sơn đang xuất bán cho các thương lái, nhà hàng từ 80.000 -100.000 đồng/kg. Ngoài ra lão nông này còn bán heo giống cho bà con với giá giao động từ 150.000-250.000 đồng/kg. Trừ những con heo mẹ và một con heo bố, mỗi năm ông Sơn xuất bán hơn 150 con thu về gần 200 triệu đồng.

Đặc biệt, dịp tết người dân thường chọn loại heo rừng này để về quay nguyên con, ăn xả xui nên lượng xuất ra rất lớn. Chỉ tính thời gian trước tết, trang trại ông Sơn đã xuất gần 50 con heo từ 15- 20kg, thu về hàng chục triệu đồng.

Phạm Hoàng

banner_chan-bai.gif