1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tết thời Covid-19: Bánh chưng, hoa đào Hà Nội nhộn nhịp "ship" đi TP.HCM

(Dân trí) - Cước phí gửi 1 cành đào bằng hình thức chuyển phát nhanh hàng không là 550.000 đồng, còn giò và bánh chưng tính theo cân, khoảng hơn 300.000 đồng. Tính ra tiền phí "ship" đắt hơn nhiều tiền mua hàng.

Bánh chưng, hoa đào "bay" vào miền Nam

Vừa làm xong thủ tục chuyển cành đào, 5 bánh chưng và 1 giò vào TP.HCM cho con gái, ông Nguyễn Đức Thọ (Ba Đình, Hà Nội) phải trả cước phí gần 1 triệu đồng. Phí gửi 1 cành đào bằng hình thức chuyển phát nhanh hàng không là 550.000 đồng, còn giò và bánh chưng tính theo cân, khoảng hơn 300.000 đồng.

Ông Thọ cho hay, do dịch bệnh, gia đình con gái ông không thể về quê Tết này. Để động viên con, ông đã mất công ra chợ hoa mua đào và đặt bánh chưng, giò gửi vào cho con theo máy bay, dù cước phí còn đắt hơn cả tiền mua đào và bánh chưng.

"Biết là ở trong đó cũng có bán đào và bánh chưng, giò nhưng hoa không thể đẹp và đồ ăn khó đúng vị như Hà Nội. Mình gửi vào cho con cái chút hương vị của quê nhà, động viên con cháu", ông nói.

Tết thời Covid-19: Bánh chưng, hoa đào Hà Nội nhộn nhịp ship đi TP.HCM - 1

Những cành đào có thể dễ dàng "bay" vào Sài Gòn chỉ trong 2 tiếng theo đường hàng không

Không cần phải ra tận văn phòng đơn vị chuyển phát để gửi hàng, bà Nguyễn Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ cần đặt chuyển hàng trên ứng dụng điện thoại. Chưa đầy vài phút, shipper đã tới nhà nhận hàng, sau đó chuyển ra đơn vị giao nhận. Hàng hóa theo máy bay vào TP.HCM, sau đó lại có shipper chuyển tới địa chỉ của con trai bà.

Bà Hương cho hay, dịch vụ chuyển hàng rất nhanh và hiện đại. Chỉ cần theo dõi ứng dụng, bà Hương có thể biết, hàng gửi đang ở đâu. "Bình thường, tôi vẫn sử dụng dịch vụ chuyển phát này gửi đồ ăn cho con ở TP.HCM. Cận Tết, tôi có làm mấy món đồ khô, mứt mà cháu nội thích gửi vào trong đó", bà nói.

Dịch vụ thử đồ tận nhà thời Covid-19

Sợ khách đến mua sắm quá đông trong khi dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây lan, nhiều cửa hàng thời trang kêu gọi khách đặt mua online, sau đó cho nhân viên trực tiếp đem đồ đến tận nhà cho khách thử.

Tết thời Covid-19: Bánh chưng, hoa đào Hà Nội nhộn nhịp ship đi TP.HCM - 2

Trên fanpage của nhiều cửa hàng mở dịch vụ cho khách thử đồ tại nhà. Ảnh Vietnamnet

Chị Đào Thùy Liên, quản lý một chuỗi cửa hàng thời trang thiết kế chia sẻ, hệ thống cửa hàng đang có thêm dịch vụ đem đồ cho khách thử tận nơi, kèm theo đó khách sẽ được tặng quà là 1 khăn lụa, phong bao lì xì nếu mua hàng.

"Vì muốn hạn chế khách tới mua trực tiếp, khuyến khích khách đặt online nên quà tặng chỉ dành cho khách mua online", chị nói.

Theo chị Liên, dù bán hàng kiểu này khá vất vả, nhân viên thay vì đứng bán tại cửa hàng giờ lại trở thành shipper xách túi lớn túi nhỏ, doanh thu cũng không bằng bán trực tiếp, nhưng trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp thì cửa hàng buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp.

Tương tự, chị Lê Thanh Hà (Hà Nội) cho biết, cửa hàng chị đã áp dụng dịch vụ đem đồ cho khách thử đã triển khai được 3 ngày. Gần 20 nhân viên hoạt động hết công suất, chạy ship hàng cho khách thử suốt từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Tuy nhiên, hệ thống cửa hàng của chị cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu cho khách ở Hà Nội.

Khi ship đồ cho khách thử, nhân viên sẽ tuân thủ đầy đủ điều kiện phòng ngừa dịch bệnh của Bộ Y tế. Tất cả các nhân viên phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn với khách. Đặc biệt, quần áo đều được bọc trong túi nilon, xịt khuẩn cẩn thận trước khi đưa tới tay khách, chị Hà chia sẻ.

"Nhiều khách có thói quen lên fanpage của cửa hàng chỉ để xem mẫu, còn mua thì phải thử trực tiếp để biết có hợp và vừa với mình không. Nhưng dịp này nếu để khách đến cửa hàng thì sợ đông quá, không an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là lý do tôi làm dịch vụ cho khách thử đồ tại nhà" - chị chia sẻ.

Vàng mã lên sàn thương mại điện tử

Dịch Covid-19 đang bùng phát, quay trở lại khiến cho thói quen của nhiều người tiêu dùng đang dần thay đổi. Như ngày cúng lễ ông Công, ông Táo năm nay, thay vì ra chợ mua vàng mã, đồ cúng như mọi năm, nhiều người chọn cách ở nhà, lên chợ mạng đặt hàng online.

Chị Minh Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách 1 tuần trước Tết ông Công ông Táo, chị đã lên sàn thương mại điện tử tìm mua vàng mã. Chị mua 1 combo gồm tiền vàng, cá chép, mũ, hài cỡ lớn bằng giấy với giá 120.000 đồng (đã bao gồm phí vận chuyển). 

"Tính ra so với mua ở chợ cóc, bộ vàng mã này còn rẻ hơn 15.000 - 20.000 đồng. Không những thế, cách mua hàng online này còn giúp hạn chế việc đi lại, tiếp xúc với người lạ trong mùa dịch" - chị nói.

Nhưng theo chị, khách mua đồ trên các sàn thương mại điện tử thì nên đặt trước từ 3 - 5 ngày, do cửa hàng sẽ mất thời gian xác nhận đơn, lưu kho và gửi vận chuyển. Còn nếu mua trên chợ mạng thì sẽ nhanh hơn vì khách có thể yêu cầu quán gửi hàng cấp tốc.

Tết thời Covid-19: Bánh chưng, hoa đào Hà Nội nhộn nhịp ship đi TP.HCM - 3

Lo Covid-19: Khách đổ bộ lên chợ online, mua vàng mã cúng Tết Táo quân

Chị Ngọc Thảo, tiểu thương bán đồ vàng mã chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người có thói quen đi chợ online. Để bắt kịp xu hướng, ngoài bán trực tiếp ở cửa hàng, chị còn bán trên chợ mạng, sàn thương mại điện tử. Hàng ngày, chị sẽ chụp ảnh, quay video mẫu sản phẩm rồi đưa lên các hội, nhóm. Nếu khách ưng ý, chị sẽ xin lại thông tin và gửi hàng.

"Hiện nay, việc mua sắm online cũng khá là phổ biến, bởi nó vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, khách giờ rất tinh và sành, khi mua, họ yêu cầu phải cung cấp hình ảnh, video sản phẩm thật. Thế nên, cửa hàng nào mà làm ăn bát nháo là cũng sập như thường" - chị kể.

An Chi (tổng hợp)