Ninh Thuận:

Nông dân "khóc ròng" vì dưa hấu vụ Tết rớt giá thảm, không có ai mua

Đức An

(Dân trí) - Giá dưa hấu giảm mạnh, chỉ còn 1.500 đến 2.000 đồng/kg khiến nông dân điêu đứng vì lỗ. Giá thấp là thế nhưng cũng chẳng có thương lái đến mua, dưa chất đống đầy đồng…

Nông dân khóc ròng vì dưa hấu vụ Tết rớt giá thảm, không có ai mua - 1
Những cánh đồng dưa hấu đã quá lứa phải thu hoạch mà không có thương lái đến mua

Những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nông dân trồng dưa hấu ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận bước vào vụ thu hoạch chính phục vụ nhu cầu thị trường dưa Tết. Tuy nhiên, thời điểm này, nông dân nơi đây như ngồi trên đống lửa vì giá dưa hấu giảm mạnh, nhiều diện tích đã thu hoạch xong nhưng chẳng có thương lái nào đến mua.

Nông dân khóc ròng vì dưa hấu vụ Tết rớt giá thảm, không có ai mua - 2
Nông dân nơi đây như ngồi trên đống lửa vì giá dưa hấu giảm mạnh

Chiều 5/2, ghi nhận tại vùng trồng dưa hấu tại 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), dọc tuyến quốc lộ 27 vào các vùng trồng dưa, chứng kiến cảnh dưa hấu chất đống 2 bên đường vì không thể tiêu thụ khiến ai cũng xót xa.

Đang rầu rĩ vì dưa hấu đã thu hoạch 2 ngày nay nhưng không bán được, cha con anh Huỳnh Văn Thống (ngụ khu phố 5, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) thở dài cho biết:  "Cứ nghĩ mùa Tết dưa hấu sẽ được giá, không ngờ lại giảm thê thảm, mỗi hecta đầu tư trên 100 triệu đồng, đến giờ thu hoạch lại chẳng thấy thương lái nào đến mua, nông dân chúng tôi như ngồi trên đống lửa".

Nông dân khóc ròng vì dưa hấu vụ Tết rớt giá thảm, không có ai mua - 3

Dưa hấu chất đống ngoài đồng chờ thương lái tới mua

Cùng tâm trạng với gia đình anh Thống, anh Trần Xuân Thái - người có thâm niêm trồng dưa hấu 25 năm ở thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn - buồn bã chỉ tay về 7 ha dưa hấu của gia đình và ngậm ngùi cho biết, giá dưa hấu hiện nay chỉ còn 1.500 đến 2.000 đồng/kg, chưa bằng 1/3 giá dưa so với mọi năm.

So với năm trước, giá dưa hấu đã giảm hơn 5.000 đồng/kg, với giá bán "rẻ bèo" như hiện nay, nhiều hộ trồng dưa ở Ninh Thuận coi như mất trắng.

"Cực nhọc trăm bề mới trồng được trái dưa bán tết, nhưng năm nay gia đình coi như điêu đứng, thua lỗ ước tính trên 800 triệu đồng", anh Thái thở dài.

Nông dân khóc ròng vì dưa hấu vụ Tết rớt giá thảm, không có ai mua - 4
Cả năm trông chờ vụ dưa Tết nhưng nay đành chịu cảnh mất trắng
Nông dân khóc ròng vì dưa hấu vụ Tết rớt giá thảm, không có ai mua - 5
Một cánh đồng dưa may mắn được "giải cứu" với giá mua 2.000 đồng/kg

Thời điểm này, người dân chở dưa đi bán dạo hoặc bán lẻ khắp các địa phương khác trong tỉnh để mong vớt vát phần nào. Nhưng với sức mua của thị trường trong tỉnh thì việc tiêu thụ cả ngàn tấn dưa là điều không thể.

Theo ông Dương Đăng Minh - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), vụ dưa hấu đợt này, nông dân trên địa bàn xuống giống khoảng gần 200 ha, chủ yếu thuê đất canh tác tại huyện Bác Ái. Đến thời điểm này, bà con mới thu hơn một nửa diện tích, gần 100 ha vẫn chưa thu hoạch, hoặc đã thu hoạch nhưng chưa thể tiêu thụ được, phải dồn đống tại rẫy để chờ tiêu thụ.

Nông dân khóc ròng vì dưa hấu vụ Tết rớt giá thảm, không có ai mua - 6

Người nông dân đang tìm mọi cách để bán dưa, dù bán với giá chỉ từ 1.500 - 2.000 đồng/kg

Cũng theo ông Minh, sở dĩ dưa hấu mất giá là do diễn biến của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sức mua của thị trường một số tỉnh phía Bắc và đặc biệt là thị trường xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc giảm, dẫn đến giá dưa hấu tụt mạnh, không thể tiêu thụ được.

Nông dân khóc ròng vì dưa hấu vụ Tết rớt giá thảm, không có ai mua - 7
Bởi chỉ còn vài ngày nữa là Tết, khi đó có muốn bán cũng không được nữa

Ông Minh cho biết thêm: "Thông qua các kênh khác nhau, ngành nông nghiệp huyện cũng đã kết nối với một số tổ chức từ thiện để "giải cứu" dưa hấu cho bà con với giá mua trọn tại rẫy là 2.000 đồng/kg, qua đó phần nào giúp bà vớt vát đồng vốn để ổn định sản xuất cho những vụ tiếp sau".

"Về lâu dài, ngành nông nghiệp huyện cũng đã tham mưu, đề xuất cấp trên để vận động bà con nông dân và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng nông sản làm ra lại mất giá hoặc không thể tiêu thụ như hiện nay", ông Minh chia sẻ.