Test nhanh Covid-19 bằng nước bọt được rao bán rầm rộ tại TPHCM

Đại Việt

(Dân trí) - Kit test nhanh Covid-19 bằng phương pháp lấy mẫu nước bọt đang được bán rầm rộ tại thị trường TPHCM với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/bộ.

Test nhanh bằng nước bọt giảm giá mạnh

Phương pháp test nhanh Covid-19 lấy dịch tỵ hầu (ngoáy mũi) khiến một số người sử dụng nhiều khó chịu, gây đau tức. Gần đây, mọi người chia sẻ với nhau về một loại test nhanh khác, lấy mẫu bằng nước bọt.

Test nhanh Covid-19 bằng nước bọt được rao bán rầm rộ tại TPHCM - 1

Một bộ test nhanh Covid-19 bằng nước bọt (Ảnh: Đ.V).

Anh Nguyễn Trung Hiếu (ngụ quận Tân Bình), chia sẻ gia đình có con nhỏ nên anh lên mạng đặt mua 5 bộ test nhanh Covid-19 bằng nước bọt với giá 700.000 đồng. Theo anh Trung Hiếu, loại kit test này dễ dàng sử dụng với trẻ em so với loại test nhanh "ngoáy mũi".

Chị Phương Hằng (ngụ quận 10) nói đang bán kit test nhanh lấy mẫu bằng nước bọt hiệu Realy Tech, Mr Sanicom của Đức, đồng giá 136.000 đồng/bộ. "Đây là hàng của Đức nên yên tâm sử dụng, kết quả chính xác đến 99%" - chị Hằng khẳng định.

Theo người bán hướng dẫn, chỉ cần cho nước bọt vào ống thử, lắc đều, sau đó nhỏ 3 giọt vào khay thử, chờ 10-15 phút sẽ có kết quả. Mỗi tháng, chị Hằng kể bán từ 500-700 bộ test nhanh bằng nước bọt.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm Realy Tech mà chị Hằng giới thiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra, trên thị trường hiện có nhiều loại test nhanh lấy mẫu nước bọt, như PCL (Hàn Quốc), Longsee (Đức) với giá bán lẻ dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/bộ.

Test nhanh Covid-19 bằng nước bọt được rao bán rầm rộ tại TPHCM - 2

Thị trường có rất nhiều sản phẩm kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt (Ảnh: Đ.V).

Ông Trần Dũng, người kinh doanh thiết bị y tế tại quận 3, chia sẻ hiện giá kit test nhanh lấy mẫu nước bọt đã "hạ nhiệt" so với đầu tháng 9.

Cụ thể, đầu tháng 9, một bộ test nhanh Mr Sanicom có giá 140.000 đồng, nay hạ còn 100.000 đồng/bộ. Nhiều loại test nhanh khác cũng được người bán giảm giá từ 20 - 35%.

Ông Dũng cho hay, trong vài ngày qua dân kinh doanh đã chủ động nhập kit test về số lượng hạn chế hơn, do dư luận người dân phản ứng với việc test "vô tội vạ", gây phiền phức, tốn kém.

Ông Dũng nhận định, loại kit test nhanh dùng phương pháp "ngoáy mũi" vẫn bán chạy hơn so với loại test lấy mẫu nước bọt. Lý do bởi nhiều kit test bằng nước bọt vẫn chưa được cấp phép lưu hành tại thị trường Việt Nam. Điều này khiến người tiêu dùng e ngại trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm.

Cẩn trọng với test nhanh "dỏm"

Theo Bộ Y tế, công nghệ xét nghiệm Covid-19 sử dụng mẫu nước bọt đã được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2, đến nay, kết quả ban đầu được đánh giá khả quan. Bộ Y tế sẽ đánh giá để đề xuất, triển khai thí điểm tại các vùng có dịch.

Hiện nay, các loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chủ yếu là bằng phương pháp lấy mẫu dịch tỵ hầu. Tính đến cuối tháng 9, Bộ này đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên, 23 test xét nghiệm kháng thể.

Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra về nhập khẩu, cung ứng, mua bán các trang thiết bị y tế, test xét nghiệm SARS-CoV-2.

Để quản lý chặt chẽ, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua hàng, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hiện nay, các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.

"Người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt trên mạng xã hội bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành, có thể cho kết quả không chính xác" - Bộ Y tế thông tin.