Tin tức nóng trong tuần:

Tên gọi “trạm thu tiền” gây “bão”; Tranh cãi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động

(Dân trí) - Bên cạnh những thông tin liên quan đến giá điện và giá xăng dầu, trong tuần qua, đề xuất tên gọi “trạm thu tiền” và kiến nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động, nước hoa… đã làm “bùng” lên những tranh cãi trong dư luận.

 Việt Nam đã qua 30 năm gia công, chúng ta đủ tố chất để "Make in Vietnam"

Tên gọi “trạm thu tiền” gây “bão”; Tranh cãi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn, (Ảnh: Toàn Vũ)

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam "đã 30 năm lắp ráp gia công, đến nay chúng ta đã cơ bản làm ra sản phẩm Việt, người việt có đủ tố chất tốt, chúng ta cần tuyên bố rõ ràng về phát triển công nghệ Việt: sáng tạo ở Việt, thiết kế ở Việt Nam, " Make in Vietnam ".

Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng: "Có công mài sắt, có ngành nên kim", doanh nghiệp Việt cần nhận thức đúng về cách mạng lần thứ 4, nó sẽ không chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm mà thay đổi chính chúng ta.

Ông cũng nhấn mạnh, “cơ hội không tự đến và không bao giờ quay lại, cái chúng ta cần làm là hành động, hành động và hành động kịp thời, phát triển công nghệ Việt đưa đất nước đến thịnh vượng”.

Chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mặn mà cao tốc Bắc-Nam: Hỏi ngược!

Tên gọi “trạm thu tiền” gây “bão”; Tranh cãi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động - 2

Hình mô phỏng tuyến cao tốc Bắc - Nam được vẽ từ 10 năm trước. Ảnh: TEDI

ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) bày tỏ lo lắng trước thông tin Bộ GTVT cho rằng, tính tới thời điểm hiện tại chỉ có những nhà đầu đến từ Trung Quốc quan tâm tới các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam .

Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết tại phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội mới đây: Theo nghị quyết 52 của Quốc hội, từ nay đến 2021 sẽ đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án BOT. Với các dự án đầu tư công hiện không có vướng mắc gì, nhưng 8 dự án BOT thì nhà đầu tư trong nước không đủ năng lực tham gia còn nhà đầu tư Pháp, Mỹ, Anh, Nhật... chưa thấy ai tìm hiểu. Duy nhất có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới dự án.

Tuy nhiên, ĐB Nhường cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu phải được tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi, khách quan, minh bạch, không ưu ái chỉ định một nhà thầu nào.

Vị đại biểu lưu ý, điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ, không đội vốn, không lặp lại trường hợp nhiều dự án có nhà thầu Trung Quốc thời gian qua đều chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém.

Bộ Giao thông tính gọi trạm thu phí thành… “trạm thu tiền”

Tên gọi “trạm thu tiền” gây “bão”; Tranh cãi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động - 3

Trạm thu phí được nghiên cứu đổi tên thành "trạm thu tiền"

Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đang được Bộ GTVT lấy ý kiến nhằm thay thế thông tư số 49/2016/TT-BGTVT về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Theo đó, trạm thu phí hiện nay sẽ được gọi là “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”. Đây là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Trước đó, Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đổi tên phí sử dụng đường bộ thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Vì vậy, giá dịch vụ sử dụng đường bộ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật giá.

Năm 2016, Bộ GTVT ban hành thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ và gọi là “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”. Tuy nhiên, do một số trạm BOT viết tắt là “trạm thu giá” nên gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Tên gọi “trạm thu giá” sau đó được yêu cầu điều chỉnh, chuyển đổi về tên gọi cũ là “trạm thu phí” vào tháng 7/2018. Tuy vậy, Bộ GTVT cho biết cách gọi “trạm thu phí” vẫn không đúng tinh thần Luật giá nên cần sửa đổi cho phù hợp.

Bộ Giao thông nói gì về việc đặt tên trạm thu phí là “trạm thu tiền”?

Trao đổi với PV Dân trí chiều 8/5, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - khẳng định: “Trạm thu tiền” , “trạm thu giá” hay “trạm soát vé” chỉ là tên gọi và tên gọi này phù hợp với bản chất của việc thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ, phù hợp với quy định của Luật giá. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo và đang trong quá trình lấy ý kiến.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, “trạm thu phí”, “trạm thu giá” hay “trạm soát vé” chỉ là cái tên nhằm xác định vị trí, địa điểm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án giao thông, trên một tuyến đường cụ thể.

“Bản chất của các trạm là nơi để thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ, nhưng tên gọi như thế nào phải phù hợp với quy định của Luật giá.” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

Chủ tịch Quốc hội: Chính phủ cần giải thích việc tăng giá điện

Tên gọi “trạm thu tiền” gây “bão”; Tranh cãi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động - 4

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội mở đầu cho chương trình kỳ họp thứ 34 của UB Thường vụ Quốc hội

“Việc tăng giá điện, Bộ Công Thương, EVN chắc chắn phải thực hiện theo kế hoạch, nghị quyết của Chính phủ chứ không thể tự làm. Vậy người dân thắc mắc, Chính phủ phải đứng ra giải thích chứ không phải chỉ đạo lập đoàn thanh tra là xong” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu nhận định đó khi phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2019 tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 8/5.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện nay dư luận cử tri bức xúc việc tăng giá xăng, đặc biệt là tăng giá điện.

Dư luận lâu nay vẫn hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực (EVN). Bà Nga cho rằng, cần kiểm tra để giải đáp cho dư luận cử tri.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị giải trình thêm xem thông lệ quốc tế có phải là khách hàng dùng điện càng dùng nhiều, mức giá càng tăng không? Về vấn đề cạnh tranh, dù điện lực vẫn là lĩnh vực độc quyền nhưng những yếu tố thị trường đã được đảm bảo khi tính giá bán điện? Về thời điểm tăng giá điện, tại sao Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực chọn vào thời điểm nóng nhất, người tiêu dùng dùng điện nhiều nhất để thực hiện?

“Chúng tôi chưa có đánh giá gì nhưng chúng tôi đề nghị cần phải kiểm tra để trả lời, để giải tỏa bức xúc của dư luận. Còn nếu tăng là cần thiết thì cũng phải có căn cứ, nếu cái gì chưa phù hợp thì có điều chỉnh” - bà Nga nói.

Giá xăng dầu thế giới giảm sốc, dân vẫn phải mua giá cao

Tên gọi “trạm thu tiền” gây “bão”; Tranh cãi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động - 5

Giá xăng dầu trong nước đã qua 3 kỳ tăng liên tiếp

Sau đợt tăng giá xăng dầu trong nước vào ngày 2/5, giá xăng dầu thế giới từ mức bình quân 80 USD/thùng lao dốc mạnh. Đến ngày 9/5, giá xăng RON 92 (xăng nền pha chế xăng E5) đã giảm xuống còn 72,6 USD/thùng. Những ngày trước đó, giá xăng RON 92 cũng giảm khá mạnh.

Giá xăng dầu thế giới giảm là tín hiệu mừng khi giá xăng trong nước đã qua 3 kỳ tăng mạnh liên tiếp với tổng mức tăng lên đến hơn 3.600 đồng/lít, giá điện cũng tăng từ 20/3. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước liệu có giảm tương ứng không?

Trao đổi với PV.VietNamNet, lãnh đạo một DN xăng dầu lớn tỏ ra hoài nghi về khả năng giá xăng trong nước có thể giảm mạnh. Theo vị này, lí do là Quỹ bình ổn giá thời gian qua xả rất mạnh, dẫn đến nhiều DN lớn bị âm Quỹ bình ổn giá.

Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động: Sai lý lẽ và trái thông lệ

Tên gọi “trạm thu tiền” gây “bão”; Tranh cãi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động - 6

TPHCM đề xuất đánh thuế TTĐB với điện thoại di động để điều tiết thu nhập.

Mới đây, UBND TPHCM mới có văn bản Bộ Tài chính góp ý về dự thảo " Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước". Theo đó, đề xuất đưa nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ và đặc biệt là mặt hàng điện thoại di động bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Với điện thoại di dộng, TPHCM thừa nhận đây là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Bình luận về đề xuất này, TS Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt phải đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường.

"Ta đặt câu hỏi điện thoại di động là hàng thiết yếu hay xa xỉ, có ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe không? Theo tôi đây là hàng tiêu dùng bình thường, có ích cho cộng đồng và không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt được", ông Bình nói.

Cửa hàng của Nhật Cường Mobile bị công an khám xét

Tên gọi “trạm thu tiền” gây “bão”; Tranh cãi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với di động - 7

Trong ngày 9/5, một số cửa hàng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường ( Nhat Cuong Mobile ) đã bị công an vào kiểm tra, khám xét và thu thập nhiều tài liệu, song phía công an chưa công bố nguyên nhân cụ thể.

Hiện Nhật Cường Mobile đang có 9 cửa hàng tại Hà Nội. Bên cạnh đó, dịch vụ bảo hành, sửa chữa Nhat Cuong Services còn có 8 cửa hàng đều ở thị trường Hà Nội. Nhật Cường Software – tiền thân là một Trung tâm CNTT của Nhat Cuong Mobile cũng là một trong những đơn vị có tiếng trong lĩnh phần mềm với danh sách khách hàng cực “khủng”.

Đây là một trong những đơn vị cung cấp giải pháp, phần mềm hỗ trợ cho Thủ đô Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử - Thành phố thông minh như: cơ sở dữ liệu dân cư, Dịch vụ công trực tuyến, Quản lý Giáo dục, Quản lý y tế, xuất nhập cảnh,…

Tuy vậy, số liệu về kết quả hoạt động sản xuất 3 năm gần đây của Nhật Cường lại cho thấy tỷ suất sinh lời trên doanh thu doanh nghiệp này rất thấp.

Cụ thể, năm 2016, với doanh thu thuần 382,5 tỷ đồng thì Nhật Cường chỉ lãi chưa tới 1 tỷ đồng; năm 2017 doanh thu thuần đạt 344,4 tỷ đồng thì lãi sau thuế của “ông lớn” phân phối điện thoại ở Hà Nội chỉ lãi dưới 750 triệu đồng. Sang năm 2018, con số này là 347,5 tỷ đồng doanh thu thuần và 1,08 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Mai Chi (tổng hợp)