Temu bị nghi bán các sản phẩm bất hợp pháp, châu Âu đẩy mạnh điều tra

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Ủy ban châu Âu lo ngại các sản phẩm bất hợp pháp có thể được bán trên nền tảng Temu và công ty không hành động đủ mạnh nhằm kiểm soát vấn đề.

Châu Âu vừa khởi động cuộc điều tra xem liệu Temu có vi phạm các quy định ngăn chặn việc bán sản phẩm bất hợp pháp hay không.

Động thái dựa trên Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), sau khi phía EU nhận được khiếu nại từ Tổ chức tiêu dùng toàn châu Âu BEUC và 17 tổ chức thành viên. DSA yêu cầu các nền tảng trực tuyến lớn như Temu phải nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn nội dung bất hợp pháp và có hại.

"Có nghi ngờ rằng các biện pháp đang thực hiện chưa đủ hiệu quả để ngăn chặn việc phân phối sản phẩm bất hợp pháp. Các thương nhân gian lận thường quay lại bán hàng với danh tính khác", một quan chức EU cho biết.

Bên cạnh đó, Cơ quan thực thi công nghệ EU còn muốn kiểm tra việc tuân thủ của Temu trong việc cung cấp dữ liệu công khai cho các nhà nghiên cứu. Các thiết kế thu hút người dùng của Temu như chương trình trò chơi trúng thưởng và cách gợi ý sản phẩm cũng nằm trong diện bị điều tra.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Temu đang tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, đặc biệt trong việc đảm bảo các sản phẩm được bán trên nền tảng đáp ứng tiêu chuẩn EU và không gây hại cho người tiêu dùng", bà Margrethe Vestager, Trưởng phòng công nghệ và chống độc quyền của Ủy ban châu Âu, chia sẻ với Reuters.

Temu bị nghi bán các sản phẩm bất hợp pháp, châu Âu đẩy mạnh điều tra - 1

Các thiết kế thu hút người dùng của Temu cũng nằm trong diện bị điều tra (Ảnh: Shutterstock).

Temu hiện có 92 triệu người dùng tại châu Âu. Nếu bị phát hiện vi phạm DSA, nền tảng này có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu.

Phản hồi động thái của EU, Temu cho biết công ty sẽ hợp tác với các nhà quản lý. "Temu coi trọng nghĩa vụ của mình theo DSA và không ngừng tăng cường hệ thống tuân thủ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên nền tảng", công ty nêu trong thông báo.

Cuộc điều tra diễn ra sau yêu cầu của EU vào ngày 11/10 rằng Temu phải chia sẻ dữ liệu về cách giải quyết các sản phẩm giả mạo hoặc không an toàn trên thị trường.

Tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố Temu sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn về nội dung trực tuyến của EU sau khi nền tảng đạt số lượng người dùng thường xuyên hơn 45 triệu.

Temu là một trong những công ty công nghệ lớn mới nhất bị EU nhắm đến liên quan đến đạo luật DSA trong bối cảnh khối này đang nỗ lực quản lý các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu. Các công ty khác cũng đang phải đối mặt với các nội dung của đạo luật DSA gồm Meta, AliExpress, TikTok và X.

Theo Reuters