Telio - "giao liên" thời 4.0 của các nhà bán lẻ Việt

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thị trường bán lẻ chịu những tác động to lớn từ đại dịch nhưng đang phục hồi nhanh chóng và hơn bao giờ hết, các nhà bán lẻ đang tìm đến đối tác như Telio để kết nối với doanh nghiệp cung ứng, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung.

Trong bối cảnh thị trường đang cố gắng vực dậy sau những tác động từ đại dịch Covid-19, các kênh bán lẻ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phân phối hàng hóa, kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Tuy vậy, nhà bán lẻ vẫn canh cánh nỗi lo về đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn khi vận chuyển, đồng thời luôn phải tìm giải pháp để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao đột biến (theo báo cáo của Vietnam Report).

Cả bán lẻ truyền thống (tại các cửa hàng) lẫn bán lẻ trực tuyến (thương mại điện tử) đều đang chứng kiến sự thay đổi của thói quen người tiêu dùng dưới tác động từ đại dịch.

Theo ông Bùi Sỹ Phong, sáng lập viên kiêm CEO Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam đang trải qua nhiều thay đổi mạnh mẽ khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ tìm hướng ứng dụng công nghệ để cải thiện hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ. Với một thị trường như vậy, Telio đang là cái tên sáng giá để mang đến thay đổi có tính bền vững cho các nhà bán lẻ.

Telio - giao liên thời 4.0 của các nhà bán lẻ Việt - 1

Tương tự như giao liên giúp đảm bảo liên lạc và dẫn đường trong thời chiến, Telio được ví như một "giao liên" thời bình 4.0 khi kết nối rất nhiều nhà cung cấp khác nhau vào một nền tảng duy nhất, dẫn dắt các cửa hàng, đơn vị bán lẻ đến một sàn giao dịch tập trung do hãng đưa ra.

Hiện tại, đơn vị đang phục vụ cho hơn 35.000 địa lý bán lẻ ở gần 30 tỉnh, thành trên cả nước và dự kiến đạt hơn 60.000 đại lý vào cuối năm nay. Kế hoạch đặt ra trong một năm tới, Telio muốn hiện diện ở 45 tỉnh thành trên cả nước và phục vụ khoảng 150.000 đại lý.

Giải pháp này giúp Telio đóng vai trò là nền tảng tập trung. Một bên kết nối với các nhà cung cấp sản phẩm khác nhau, phần còn lại như "cánh cửa" để các nhà bán lẻ dễ dàng tiếp cận với nguồn cung và có hàng chỉ với vài cú nhấp chuột. "Thay vì nhập hàng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, nhà bán lẻ chỉ cần nhập từ một nền tảng tập trung chính là Telio. Tại đây, giá cả luôn cạnh tranh và minh bạch để mọi cá nhân, đơn vị kinh doanh đều có cùng một cơ hội tiếp cận với nguồn hàng tốt nhất, giúp tối ưu đa hóa lợi nhuận", ông Sỹ Phong nhấn mạnh.

Nói cách khác, nhà bán lẻ không còn thụ động chờ nhãn hàng đến tiếp thị sản phẩm, cũng không mất thời gian đi tìm hiểu thông tin và đầu mối để kết nối với doanh nghiệp cung ứng như phương thức kinh doanh truyền thống. Trên nền tảng của Telio, họ dễ dàng tìm thấy những mặt hàng mình cần, thị trường cần và có thể nhanh chóng được đáp ứng nhu cầu lấp kho chỉ trong 12-24 tiếng (tùy khu vực), thậm chí nhận hàng trong 6-12 tiếng, tối ưu hóa vốn lưu động.

Một trong những ưu điểm của nền tảng B2B này đối với các nhà bán lẻ là cơ hội tiếp cận những dòng sản phẩm mang lại lợi nhuận cao như bánh kẹo nhập khẩu, nước mắm… Cửa hàng bán lẻ truyền thống cũng có cơ hội chuyển đổi thành các gian hàng online để kinh doanh qua mạng internet, tăng cơ hội tiếp cận khách hàng đầu cuối.

Telio - giao liên thời 4.0 của các nhà bán lẻ Việt - 2

Khả năng hoạt động đa nền tảng (cả web và ứng dụng) đã tạo thành lợi thế cho Telio trên hành trình tiếp cận, kết nối các bên. Không những vậy, mới đây Telio đã trở thành nền tảng B2B đầu tiên và duy nhất ra mắt gian hàng trên Zalo, giúp các đại lý thuận tiện nhập và theo dõi đơn hàng.

Zalo hiện có hơn 60 triệu người dùng hàng tháng tại Việt Nam, được các chuyên gia đánh giá là nền tảng tiềm năng thúc đẩy thương mại điện tử. Việc hợp tác với Zalo gần đây vừa mở ra cơ hội tiếp cận thêm 60 triệu người dùng mỗi ngày của các đại lý, vừa tăng thêm cho họ một giải pháp thanh toán trực tuyến (qua ví điện tử ZaloPay) khi thanh toán không tiền mặt đang là xu thế được chính phủ khuyến khích.

Ngoài các mặt hàng tiêu dùng, Telio đang tận dụng tối đa tiềm lực cũng như nền tảng công nghệ hiện tại để tiến sang những ngành hàng khác như đồ gia dụng, y tế, phục vụ đời sống, tiến dần tới kế hoạch chuyển đổi từ B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) thành B2B2C (doanh nghiệp tới doanh nghiệp tới khách hàng).

Thành lập từ tháng 11/2018 nhưng tính đến tháng 9/2021, khi chưa tròn 3 tuổi, Telio đã huy động tổng cộng 51 triệu USD với sứ mệnh dùng công nghệ và dữ liệu lớn (Big Data) để nâng tầm nhà sản xuất cũng như nhà bán lẻ trên nhiều lĩnh vực. Trong số các nhà đầu tư, VNG đã đóng góp vốn lên tới 22,5 triệu USD, cho thấy tầm nhìn tương lai mà tập đoàn này nhận ra tại nền tảng Telio.

Trong một chia sẻ hồi trung tuần tháng 11, lãnh đạo VNG cũng đánh giá Telio đang chứng tỏ bản thân là nền tảng thương mại điện tử B2B cho ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và doanh nghiệp này đánh giá cao tiềm năng cũng như tham vọng của Telio.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm