Techcombank: Lương nhân viên đạt đỉnh

Vân Khánh

(Dân trí) - Trong khi nhân viên liên tục nhận ESOP và lương vươn lên vị trí cao nhất nhóm ngân hàng nội thì cổ đông lại trong tình cảnh 10 năm không cổ tức.

Thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng, vượt Vietcombank

Quý I/2021 là quý rực rỡ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB) khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới 4.476 tỷ đồng, tăng 1.970 tỷ đồng, tương đương 78,6% so với quý I/2020. Con số hơn 4.400 tỷ đồng kể trên cũng là mức lãi kỷ lục theo quý của ngân hàng này.

Thế nhưng, lợi nhuận đột biến chưa phải điểm nhấn lớn nhất tại Techcombank. Thông tin mà những người quan tâm đến thị trường tài chính chú ý nhất ở Techcombank chính là việc ngân hàng này đã vượt qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trở thành ngân hàng nội trả lương cao nhất Việt Nam.

Techcombank: Lương nhân viên đạt đỉnh - 1

Techcombank trở thành ngân hàng nội trả lương cao nhất Việt Nam (Ảnh: TCB).

Cụ thể, trong quý I/2021, tiền lương bình quân của người lao động Techcombank tăng nhẹ từ 32 triệu đồng/người/tháng lên 34 triệu đồng/người/tháng. Còn thu nhập lại tăng rất mạnh, tăng 4 triệu đồng/người/tháng lên 42 triệu đồng/người/tháng.

Techcombank đã vượt qua Vietcombank (đơn vị trả thù lao 32 triệu đồng/người/tháng) và là ngân hàng nội đầu tiên cán mốc thu nhập 40 triệu đồng/người/tháng.

Liên tục phát hành ESOP

Không chỉ nhận được thù lao hậu hĩnh, người lao động Techcombank còn liên tục được nhận ESOP (cổ phiếu phát hành theo chương trình chọn lựa người lao động). Techcombank muốn bán cổ phần cho người lao động để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng.

Phương án được đưa ra là Techcombank sẽ phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu TCB, từ đó nâng vốn điều lệ lên hơn 35.109 tỷ đồng. Giá bán được dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu hoặc cao hơn với Chương trình 2.

Đóng cửa phiên 4/5, cổ phiếu TCB dừng ở mức 43.400 đồng/cổ phiếu. Nghĩa là ngay sau khi mua ESOP, người lao động Techcombank đã lãi ngay 334%.

Đây không phải lần đầu tiên người lao động Techcombank được nhận ESOP. Lần gần đây nhất, vào tháng 11/2020, Techcombank đã phát hành gần 4,8 triệu cổ phiếu cho người lao động.

Trước đó, năm 2018, Techcombank đã phát hành gần 14,7 triệu cổ phiếu ESOP; năm 2019 phát hành hơn 3,5 triệu cổ phiếu ESOP, với giá bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Lý giải cho việc phát hành ESOP, Techcombank cho biết: "Cùng với sự phát triển của thị trường lao động và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, HĐQT xét thấy Techcombank cần xây dựng thêm chương trình thưởng kiến tạo giá trị dài hạn cho nhân tài làm việc lâu dài tại Techcombank hướng đến mục tiêu gia tăng giá trị cho cổ đông của Techcombank thông qua Chương trình lựa chọn phát hành, bán cổ phần cho người lao động của Techcombank".

Cổ đông 9 năm liên tiếp không cổ tức

Chưa có thống kê chính thức nào được công bố nhưng có lẽ Techcombank đủ "tiêu chuẩn" vào danh sách các ngân hàng có thời gian không trả cổ tức dài nhất.

Phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Techcombank vừa diễn ra. Một trong những nội dung được thông qua chính là việc tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông. Như vậy có nghĩa Techcombank đã có chuỗi 9 năm liên tiếp không dành lợi nhuận cho người nắm giữ cổ phiếu TCB.

Trước đó, trong nhiều kỳ họp ĐHĐCĐ, cổ đông đã lên tiếng vì không được chia cổ tức dù ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận rất tốt.

Phản hồi lại ý kiến cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, cho biết: "Tôi và các quý vị cổ đông đầu tư nhiều hay ít đều có bài toán của bản thân mình và có áp lực riêng. Việc không chia cổ tức, cổ đông lớn rất áp lực, việc đầu tư vào ngân hàng giá trị lớn nhất thu được là giá trị cổ phiếu. Không ai muốn giá trị cổ phiếu chỉ giao dịch với giá 10.000 đồng, chúng tôi muốn cổ phiếu Techcombank giao dịch với giá trị thực của nó, muốn giá trị cổ phiếu đạt 40.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu. Để làm việc đó phải thể hiện giá trị của tổ chức".

Thậm chí, ông Hồ Hùng Anh còn khẳng định, không chia cổ tức vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu, ngân hàng không ai rút đi một đồng nào của cổ đông cả. "Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cần lựa chọn thời điểm quyết định. Chia cổ phiếu để cổ đông bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu hay thời điểm nào để bán với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, giá trị đó vẫn nằm ở cổ phiếu chứ không phải tiền này sử dụng vào vấn đề khác", theo ông. 

Dù thế, dưới góc độ nhà đầu tư, anh Nguyễn Hoàng - một nhà đầu tư chứng khoán - chia sẻ, cái thiệt thứ nhất là có những nhà đầu tư rót vốn vào ngân hàng gần một thập kỷ nhưng chưa được một đồng lợi nhuận nào.

Chưa dừng lại ở đó, khi Techcombank phát hành ESOP nghĩa là cổ phiếu bị pha loãng, giá trị cổ phiếu của cổ đông "bên ngoài" suy giảm.

"Có người nói, cổ đông đang được lợi vì giá cổ phiếu TCB tăng mạnh suốt thời gian qua. Điều này đúng với nhà đầu cơ - những người thích "lướt sóng" nhưng không đúng với nhà đầu tư giá trị - những người muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp", nhà đầu tư trên nêu góc nhìn.