Taxi truyền thống “tố” Uber, Grab dùng tiền “mua” khách!

(Dân trí) - Các hãng taxi truyền thống cho rằng mình hoạt động là vì “lợi ích quốc gia” nhưng lại bị 13 “vòng kim cô” siết cổ, trong khi đó Grab và Uber lại không bị giàng buộc. Các doanh nghiệp taxi truyền thống đã lên tiếng “tố” tội Grab, Uber trên thị trường kinh doanh vận tải.

Hội nghị đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử diễn ra tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) từ 8h30 sáng kéo dài tới gần 13h chiều nay (28/6), một không khí đối chất “nóng bỏng” giữa một bên là taxi truyền thống và một bên là đại diện Uber, Grab.

Dùng tiền để “mua” khách?

Mở đầu cuộc đối thoại, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - cho rằng, Uber và Grab sử dụng chiêu thức khuyến mãi, giảm giá tức là sử dụng tiền để “mua” khách hàng, điều này vi phạm quy định của pháp luật.

Theo ông Bình, taxi truyền thống bị 13 “vòng kim cô” treo trên cổ (13 quy định - PV), còn xe hợp đồng thì không, Grab và Uber không bị giàng buộc về các quy định như taxi truyền thống. Vậy bình đẳng ở đâu? Cạnh tranh lành mạnh được không?

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội: Uber, Grab sử dụng tiền để “mua” khách hàng
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội: "Uber, Grab sử dụng tiền để “mua” khách hàng"

Ông Nguyễn Tiến Long - Hiệp hội taxi Hà Nội - đề cập tới hợp đồng điện tử với bất cập khi “khuyết” số lượng và danh sách hành khách, trong khi đó số lượng xe hợp đồng gia tăng quá nhanh và không kiểm soát được. Cụ thể, tổng số phương tiện tham gia thí điểm theo thống kê của Bộ GTVT là hơn 13.500 xe, nhưng thống kê của riêng TPHCM đã là hơn 21.800 xe, tổng số phương tiện của Uber và Grap trên thị trường hiện là hơn 40.000 xe.

Về công tác quản lý thuế, ông Long cho rằng khi không nắm được số lượng phương tiện tham gia thì thất thoát thuế là đương nhiên. Vị này tính toán, doanh thu bình quân 30 triệu/xe/tháng thì 40.000 xe sẽ là 1.200 tỷ đồng/tháng, số tiền thuế phải nộp là 54 tỷ đồng/tháng, vậy cơ quan thuế đã thu được bao nhiêu? Đáng nói, năm 2014-2015, Uber không nộp thuế.

“Với nguồn tiền rất lớn, Grap, Uber đã tung ra các chiêu khuyến mãi tiến tới độc quyền, thao túng thị trường kinh doanh vận tải xe taxi tại Việt Nam” - ông Long bày tỏ lo ngại.

Không chết vì Uber, Grab thì cũng chết vì chính sách!

Tại cuộc đối thoại, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM - đặt vấn đề về quy định, chính sách, làm thế nào để hợp tác chặt chẽ, để bảo đảm sự công bằng trong việc chấp hành pháp luật giữa các xe hợp đồng.

Buổi đối thoại diễn ra trong không khí nóng bỏng bởi nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống tố tội Uber, Grab
Buổi đối thoại diễn ra trong không khí nóng bỏng bởi nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống "tố" tội Uber, Grab

“Chúng tôi không có chủ trương đối đầu với Uber, Grab, nhưng chúng tôi phải nói ra cái sai của các vị, sai thì phải sửa thì mới cạnh tranh lành mạnh được, còn nếu người chấp hành người không thì không lành mạnh được. Grab và Uber đang hoạt động sai chức năng, họ đang kinh doanh vận tải chứ không phải kinh doanh công nghệ, phần mềm” - ông Hỷ nói.

Ông Hỷ nhấn mạnh, một bên bị 13 quy định quàng vào cổ giống như 13 “vòng kim cô”, còn một bên thì quá thoải mái, như thế là không công bằng. “Nếu không có điều chỉnh phù hợp, taxi có thể thua lỗ phá sản, nguyên nhân chết không phải do Grab, Uber, mà chết vì chính sách Nhà nước!” - ông Hỷ khẳng định.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun - cho hay: Taxi truyền thống vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân rồi mới đến lợi ích của công ty.

“Chúng tôi không cần bảo hộ mà cần bình đẳng để cạnh tranh. Họ được quản lý như thế nào thì chúng tôi xin được quản lý như thế đó và ngược lại. Chúng tôi không chỉ đương đầu với Grab, Uber mà chúng tôi đang đương đầu với các Tập đoàn đa quốc gia đứng sau, nếu không có giải pháp thì chỉ 2-3 năm tới doanh nghiệp taxi sẽ chết hết” - ông Qúy thẳng thắn.

Uber, Grab nói gì?

Trong hơn nửa thời gian cuộc đối thoại bị các doanh nghiệp taxi truyền thống tập trung “đấu tố”, đại diện Grab và Uber khi đứng lên trả lời đã đưa ra những lý giải trong chừng mực.

Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Grab Taxi Việt Nam: Nếu taxi cảm thấy kinh doanh không có lời thì sao không phát triển sang dịch vụ như của Grab?
Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Grab Taxi Việt Nam: Nếu taxi cảm thấy kinh doanh không có lời thì sao không phát triển sang dịch vụ như của Grab?

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Grab Taxi Việt Nam - cho hay: Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị taxi. Nếu taxi cảm thấy kinh doanh không có lời thì sao không phát triển sang dịch vụ như của Grab?

“Các bên buộc tội Grab vi phạm pháp luật thì chúng tôi đều có công văn trả lời đầy đủ. Chúng tôi khẳng định không vi phạm gì hết. Chúng tôi quan tâm tới quyền lợi người tiêu dùng, mỗi người dùng đều có thể phản ánh và chúng tôi sẽ xử lý ngay. Tổng số lượng xe và các chương trình khuyến mãi đều được báo cáo đầy đủ. Chúng tôi ủng hộ việc Bộ GTVT chia sẻ số lượng xe của Grab với cơ quan thuế để thực hiện nghiêm việc đóng thuế.” - ông Tuấn Anh nói.

Về phía Uber, đại diện đơn vị này khẳng định Uber không phải hãng taxi cũng không phải doanh nghiệp vận tải, Uber không sở hữu phương tiện nào cả. Điều này cũng giống như facebook không sử hữu tờ báo nào, Agoda không sở hữu khách sạn nào, Uber là doanh nghiệp lớn trên toàn cầu và tuân thủ theo theo quy định pháp luật thí điểm Việt Nam.

Đại diện Uber cho rằng công ty không vi phạm pháp luật như các cáo buộc của taxi truyền thống
Đại diện Uber cho rằng công ty không vi phạm pháp luật như các cáo buộc của taxi truyền thống

Liên quan đến những ý kiến của đại diện Uber và Grab, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - phản biện: Chúng tôi không phản đối áp dụng khoa học kỹ thuật, nhưng Uber, Grab có “đặc thù” nên trở thành đối chọi với taxi truyền thống. Đại diện của Uber trả lời không phải là doanh nghiệp taxi, không phải doanh nghiệp vận tải thiếu trách nhiệm.

“Chúng tôi đã kiến nghị cần phải thanh tra thuế của Uber, Grab và công bố công khai, nếu vi phải phải xử lý nghiêm, đóng cửa lại không cho vào Việt nam nữa, nhưng việc quản lý thuế chưa chính đáng.” - ông Thanh nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc đối thoại kéo dài gần 5 tiếng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định Bộ sẽ có cuộc làm việc riêng với Grab và Uber, sẽ mời lãnh đạo của 4 địa phương thí điểm, cơ quan thuế, Công thương, Tư pháp, sẽ công khai về các vấn đề của Uber, Grab và yêu cầu 2 đơn vị này phải thực hiện nghiêm các quy định.

Châu Như Quỳnh